Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
|
Bác tôi là trưởng họ. Do không có con trai nên theo quy định của dòng họ, tôi được bầu làm trưởng tộc. Bác tôi đã viết di chúc để lại nhà thờ họ cho tôi quản lý (tôi không giữ di chúc bản gôc). Nhà thờ của dòng họ tôi rộng gần 1000 m2 được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ cho tôi để làm nơi thờ tự. Tuy nhiên, bà vợ ba của bác tôi (không có hôn thú) và các cô con gái kiện lên UBND huyện để tranh quyền thừa kế. Căn cứ vào đơn, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi sổ đỏ của tôi và giao cho cơ quan chức năng làm sổ đỏ cho nguyên đơn. Theo tôi được hiểu, việc tranh chấp đất đai có sổ đỏ thuộc thẩm quyền của tòa án. Vậy cho tôi hỏi, UBND huyện ra quyết định thu hồi sổ đỏ của tôi và giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường cấp sổ đỏ cho bị đơn là đúng hay sai?
Trả lời
Dựa theo dữ liệu mà bạn cung cấp, thì tài sản trên được giải theo một trong hai tình huống như sau:
Nếu nhà thờ có từ lâu đời hoặc nhà thờ do các thành viên trong họ đóng góp công sức và tiền của xây dựng nên là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của những người trong họ, nên không thể trở thành di sản thừa kế của người trưởng họ hay của bất cứ cá nhân nào. Nếu có tranh chấp thì giải quyết theo nguyện vọng chung của các thành viên trong dòng tộc.
Trường hợp nhà thờ do người trưởng họ bỏ tiền riêng xây dựng trên đất thuộc sở hữu riêng của mình rồi cho họ mượn lại làm nơi thờ cúng hoặc nhà của người trưởng họ được dành ra một phần diện tích để làm nơi thờ cúng thì vẫn thuộc quyền sở hữu và định đoạt của người trưởng họ. Nếu người trưởng họ chết thì nhà này là di sản thừa kế.
Thứ hai, về thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Thông tin mà bạn cung cấp về việc tranh chấp đất đai có sổ đỏ thuộc thẩm quyền của tòa án là đúng, theo quy định tại Điều 136, Luật đất đai năm 2003 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Khoản 3 Điều 42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật đất đai quy định: “Trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân đã được thi hành trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 84/2007/NÐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong những trường hợp sau: Trường hợp có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là giấy chứng nhận đã cấp trái với quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp; Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tự kiểm tra và phát hiện giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra; thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra đối với giấy chứng nhận do UBND cấp huyện cấp, thanh tra cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra đối với giấy chứng nhận do UBND cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp. Nếu qua thẩm tra có kết luận là giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp; Trường hợp tổ chức, công dân phát hiện giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định; Việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Ðiều 42 Nghị định số 181/2004/NÐ-CP, các khoản 1, 2 và 3 Ðiều này chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của TAND đã có hiệu lực thi hành.
Như vậy, nếu vụ việc của bạn không rơi vào một trong các trường hợp nêu trên thì có thể kết luận rằng hành vi thu hồi GCN quyền sử dụng đất của UBND huyện và cấp cho người khác là trái quy định của pháp luật hiện hành.