Toà Hà Nội có quyền xử lại bản án đã có hiệu lực của tòa Hà Tây?
Ông nội tôi có 2 vợ, vợ cả là bà nội tôi, vợ hai là bà A được ông tôi cho một khoảng đất (400m2). Vào năm 1980 - 1981, sau khi ông nội tôi mất bà A bán đất cho bà nội tôi với giá 40.000 đồng để vào Nam theo con cái, việc mua bán có giấy tờ và bị thất lạc nhưng có người làm chứng. Sau đó bố mẹ tôi được bà nội tôi cho ra ở trên mảnh đất kia. Đến năm 1997 thì nhà nước cấp sổ đỏ cho nhà tôi và phía nhà bà A không có ý kiến gì, đến năm 2005-2006 thấy đất có giá bà A kiện nhà tôi để đòi lại mảnh đất trên. Qua nhiều lần xét xử ở Hà Tây cũ, bà A đều thua kiện nhưng nay do sáp nhập Hà Tây - Hà Nội bà A lại kiện tiếp nhà tôi. Xin luật sư tư vấn khả năng tòa Hà Nội sẽ xử như thế nào, nhà tôi có bị mất đất hay không?
Minh Hoa (Thanh Oai, Hà Nội)
Trả lời
Theo nội dung bạn trình bày thì vụ án tranh chấp đất giữa bà A và gia đình bạn đã được Tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật. Khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 quy định:
1. Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp sau đây: “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, xin thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện”.
Như vậy, vụ án tranh chấp này đã được Tòa án giải quyết dứt điểm trước đó. Việc tỉnh Hà Tây cũ sáp nhập vào thành phố Hà Nội không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án mà Tòa án ở Hà Tây đã tuyên, vì bản án đã tuyên có hiệu lực cuối cùng buộc các bên phải thi hành. Trường hợp bà A có đơn khởi kiện đến Tòa án (ở đây nhiều khả năng là Toà án nhân dân TP Hà Nội) thì Tòa cũng sẽ trả lại đơn khởi kiện của bà A vì sự việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực của Tòa án theo quy định của Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, vụ án có thể được xét xử lại trong trường hợp bản án đó bị Chánh án Tòa án cấp trên, Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp ra quyết định kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình xét xử hoặc do có xuất hiện tình tiết, chứng cứ mới có thể làm thay đổi nội dung cơ bản của vụ án. Nếu vụ án được xét xử lại, bà A có nghĩa vụ chứng minh mảnh đất không thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn. Kết quả vụ việc sẽ tùy thuộc vào các tài liệu, chứng cứ và các tình tiết liên quan khác do phía bà A cung cấp cho Tòa án có hợp pháp và thuyết phục hay không. Như vậy, chúng tôi chưa thể khẳng định được về việc gia đình bạn có khả năng bị mất quyền sử dụng đất hay không.