Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Ngay sau đó, ông Chấn đã chính thức được trả lại tự do, về với gia đình sau 10 năm ngồi tù với cáo buộc bản án "Giết người".
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết. Trước hết, khẳng định vụ án này đã phát sinh tình tiết mới là việc nhận tội của Lý Nguyễn Chung. Theo đó, vụ án sẽ được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo trình tự tái thẩm tại phiên toà dự kiến diễn ra vào ngày 6-11. Do vậy, chưa thể khẳng định tuyệt đối ông Nguyễn Thanh Chấn có bị oan hay không cho đến khi có Quyết định, bản án theo trình tự tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
“Trường hợp bản án kết luận ông Chấn hoàn toàn không phạm tội “giết người”, thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần do sự tắc trách, thiếu thận trọng trong quá trình tiến hành tố tụng gây ra cách đây 10 năm”, LS Thắng nói.
Luật sư này cũng cho biết, cụ thể theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật trách nhiệm bồ thường Nhà nước 2010, Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp Tòa án phúc Thẩm tuyên bị cáo có tội và xử án chung thân nhưng sau đó xét xử theo Thủ tục tái thẩm thì tuyên bị cáo không có tội.
Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho Ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước (Tòa án cấp phúc thẩm) đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật;
Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước và Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự như sau:
Thiệt hại vật chất bao gồm: Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe, chi phí thực tế người bị thiệt hại đã bỏ ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử như: chi phí thuê người bào chữa, chi phí tàu xe, đi lại.
Trong đó, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được xác định dựa trên thu nhập trước khi bị kết án
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần: Đối với khoản bồi thường về tinh thần, việc bồi thường áp dụng theo quy định của điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Đây là thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Trong đó, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. (theo mức lương tối thiểu của nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường).
Với mức lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng. Chia 1.150.000 đồng cho 30 ngày sẽ ra là 38.300 đồng/ngày (mức lương tối thiểu). Tiếp tục lấy số tiền 38.300 đồng này nhân lên với 3 (1 ngày ở tù được bồi thường bằng 3 ngày lương tối thiểu) = 115.000 đồng/ngày bị giam oan.
Ngoài ra, ông Chấn cũng có quyền đòi bồi thường các tài sản bị hư hỏng trong quá trình điều tra, truy tố, xét sử (nếu có); phần thu nhập bị mất do thời gian bị ngồi tù. Về nguyên tắc, việc bồi thường thu nhập sẽ căn cứ vào nghề nghiệp, công việc mà trước đây ông Chấn đã làm có khả năng tạo ra thu nhập trung bình bao nhiêu thì cơ quan gây oan sai cho ông sẽ phải bồi thường bấy nhiêu. Ông Chấn cũng phải có trách nhiệm chứng minh thu nhập của mình trước khi bị bắt là bao nhiêu.
Theo điều 46-Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì việc bồi thường thu nhập sẽ dựa vào mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Bên cạnh đó, ông Chấn cũng có quyền đòi cơ quan tố tụng phải bồi thường do việc bị giảm sút sức khỏe của mình vì phải ngồi tù oan.
Theo Luật thì ngoài việc bồi thường, nếu xác định ông Chấn bị oan thì Tòa án sẽ phải khôi phục danh dự cho ông Chấn bằng việc cải chính, xin lỗi công khai. Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức như: trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của ông Chấn có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, đăng lời cải chính, xin lỗi trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp./.
Theo Giaoduc.net.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|