Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
NHNN vừa ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TT 36) với nhiều điểm mới như tỷ lệ cấp tín dụng cho vay chứng khoán, giảm hệ số rủi ro cho vay chứng khoán... Để làm rõ hơn tác động của những điều chỉnh này đến thị trường tài chính – ngân hàng, phóng viên TBNH đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH – ông Phạm Huyền Anh.
TT 36 quy định cụ thể tỷ lệ cho vay kinh doanh cổ phiếu của các NH là 5% vốn điều lệ. Theo ông quy định này sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán (TTCK)?
Nội dung này liên quan đến Quyết định 03 của NHNN và khi TT 36 có hiệu lực thì Quyết định này cũng hết hiệu lực thi hành. Như chúng ta đã biết, chứng khoán bao gồm giấy tờ có giá, trái phiếu DN, TPCP, cổ phiếu và quyền mua cổ phần, lựa chọn. Trong khi đó, TT 36 chỉ quy định cấp tín dụng đối với kinh doanh cổ phiếu còn các loại chứng khoán khác không giới hạn.
Khi xây dựng quy định này, chúng tôi đã đánh giá kỹ thực trạng cấp tín dụng trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng của các TCTD. Số liệu giám sát trong những năm vừa qua và từ đầu năm đến nay cho thấy, tổng mức cấp tín dụng của toàn hệ thống NH đối với hoạt động kinh doanh cổ phiếu chưa bao giờ vượt quá 4,5%. Như vậy, với quy định 5%, tùy từng quy mô vốn điều lệ của các NH thì đây là tỷ lệ rất lớn so với quy mô TTCK.
Thực tế hiện nay, giá trị giao dịch trên TTCK cao cũng chỉ gần 3.000 tỷ đồng. Vì lẽ đó với tỷ lệ 5% này còn rộng rãi hơn, thúc đẩy hỗ trợ thị trường này trong tương lai. Ngoài ra, tôi lưu ý thêm, cho vay chứng khoán không chỉ có NH mà còn có công ty quản lý quỹ, CTCK, các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân khác.
Mặt khác, đối với tất cả các hợp đồng tín dụng được thực hiện trước khi TT 36 có hiệu lực vẫn tiếp tục tiến hành đến khi hết hợp đồng theo nguyên tắc không hồi tố. Như vậy, tất cả khoản cho vay chứng khoán, cổ phiếu trước đó không hề ảnh hưởng.
TT 36 còn giảm hệ số rủi ro đối với cho vay kinh doanh BĐS và chứng khoán từ 250% (theo quy định tại Thông tư 13) xuống còn 150% là mức khá thấp. Việc giảm hệ số rủi ro được NHNN tính toán xét trên định hướng, cơ chế chính sách và khả năng phát triển thị trường. Thông qua chỉ số này, cơ quan quản lý muốn định hướng các NH đi vào các ngành, lĩnh vực Nhà nước quan tâm và ưu tiên. Từ đó giúp cho NH mạnh dạn hơn cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán và BĐS nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS, chứng khoán phát triển.
Lượng không thắt chặt, vậy còn việc kiểm soát “chất” sẽ thế nào?
Đương nhiên về “chất”, TT 36 được đảm bảo và tăng cường. Trong TT 36 quy định rõ điều kiện để TCTD được cấp tín dụng cho vay cổ phiếu trên nguyên tắc phải đảm bảo được an toàn.
Cụ thể: Thứ nhất, khi hoạt động cấp tín dụng, các TCTD phải thẩm định trước, trong và sau khi giải ngân cho vay để đảm bảo kiểm soát dòng tiền. Thứ hai, không chỉ đánh giá hiệu quả khách hàng, bản thân các TCTD không được cấp tín dụng khi có tỷ lệ nợ xấu cao.
Đặc biệt, TT 36 có nhiều quy định về cơ chế mới kiểm soát sở hữu chéo. Cơ chế quy định thứ nhất về cấp tín dụng và thứ hai góp vốn mua cổ phần. Bởi trong thực tiễn thời gian qua, hầu hết các đối tượng vi phạm thông qua hai hình thức này dẫn tới sở hữu chéo, thâu tóm không lành mạnh.
Ông có thể nói cụ thể hơn những quy định nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống NH tại Thông tư này?
TT 36 quy định cụ thể về người có liên quan của tổ chức và cá nhân. Đây là quy định rất quan trọng để kiểm soát một NH cùng với thành viên HĐQT, HĐTV có sân sau của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần.
Theo đó, trong hoạt động cấp tín dụng, NH và TCTD phải thường xuyên cập nhật danh sách cổ đông khi có sự thay đổi. Thứ hai, phải công khai trước đại hội cổ đông về khoản cấp tín dụng cho các công ty, DN và đặc biệt người có liên quan là công ty của HĐQT và HĐTV. Cụ thể trong TT 36 quy định rõ giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có…
Việc quy định như trên nhằm hạn chế sân sau, méo mó bản chất tín dụng, làm chất lượng tín dụng suy giảm. Thực tế, bản thân sở hữu chéo không xấu nhưng nếu quan hệ sở hữu của một cá nhân, một tổ chức và người có liên quan ở mức độ gắn kết lợi ích nhất định có thể sẽ chi phối hoạt động của một NH khác thì không tốt, dẫn tới sự không minh bạch về chất lượng tín dụng và dòng tiền chảy vào nền kinh tế.
Do đó việc quy định giới hạn cấp tín dụng giữa các công ty con của NH, giữa NH với các thành viên công ty con, DN sân sau… là biện pháp hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm phía sau. Theo đó, dòng vốn được kiểm soát đi đúng hướng, hỗ trợ nền kinh tế.
Tóm lại, quy định mức 5% vốn điều lệ nhằm 3 mục tiêu. Thứ nhất, hạn chế đầu tư vốn dàn trải ra bên ngoài vốn hết sức khó khăn với hệ số rủi ro cao. Thứ hai, tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho DN phát triển. Thứ ba, hạn chế sở hữu chéo, thao túng giữa các TCTD với nhau.
Hiện nay cả hệ thống NH đang tập trung tái cơ cấu xử lý nợ xấu mục tiêu đến năm 2015 nợ xấu dưới 3% theo chỉ đạo Quốc hội, Chính phủ. Đấy là lời hiệu triệu và cam kết của Thống đốc NHNN. Trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, một trong những yêu cầu quan trọng là yêu cầu các NH phải nâng cao năng lực tài chính. Thời gian từ nay đến 2015 đã cận kề, vì vậy ngành NH càng quyết tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ để đạt kế hoạch mục tiêu đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Thoibaonganhang.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|