Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
P.V: Luật sư đánh giá thế nào về vụ 80 giáo viên bị hủy biên chế?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Nếu các thông tin đăng tải trên báo chí những ngày qua là sự thật thì quả là một sự việc đau lòng. Đau lòng từ việc những giáo viên phải “chạy chọt” để đổi một suất biên chế trong ngành giáo dục bằng tài sản quá lớn. Đau lòng hơn nữa là việc nhận thức của các cơ quan giúp việc cho UBND huyện Yên Bình và nhận thức của các giáo viên mà rồi đây có thể là bị can, bị hại hay người liên quan của vụ việc này. Điều khó hiểu là tại sao người ta lại bỏ ra đến cả trăm triệu để lĩnh khoản lương một triệu/tháng ?
P.V: Theo ông việc đưa và nhận tiền để nhận vào biên chế được nêu tại Yên Bái có phải là hành vi trái pháp luật? Pháp luật quy định hình phạt như thế nào với việc nhận tiền hối lộ ?
Luật sư Nguyễn Phú ThắngViệc đưa và nhận tiền để vào biên chế trên tại tỉnh Yên Bái đương nhiên là hành vi trái pháp luật và có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tội nhận hối lộ là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, người nhận hối lộ có thể bị phạt từ 2 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo từng trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 279 Bộ luật Hình sự. Tội đưa hối lộ là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà người phạm tội có thể bị phạt từ 1 năm đến phạt tù chung thân tùy theo từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự. Như vậy, pháp luật xem những tội danh trên là tội rất nghiêm trọng, gây hậu quả lớn cho xã hội. Hậu quả của hành vi từ vụ việc này được dự đoán là rất lớn. Cơ quan tiến hành tố tụng cần phải nhanh chóng khởi tố vụ án để làm rõ có hay không hành vi đưa hối lộ, hành vi nhận hối lộ và cả hành vi làm môi giới hối lộ. Một điểm cần lưu ý, Bộ luật Hình sự năm 2009 đã sửa đổi theo hướng trừng trị “tội nhận hối lộ” nặng hơn “tội đưa hối lộ”.
P.V: Theo ông, việc giải quyết hậu quả đối với 80 giáo viên thế nào cho thấu tình hợp lý?
Cùng một thời điểm, UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hủy 80 biên chế giáo viên tại 18 trường trên địa bàn huyện với lý do… tuyển dụng sai. |
Luật sư Nguyễn Phú Thắng:Tại thời điểm mà tinh thần của Nghị quyết TƯ 4 đang được triển khai sâu, rộng và dần đi vào cuộc sống thì đây là một vụ việc lớn, điển hình và nhận được sự quan tâm của nhân dân nên tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần hết sức thận trọng trong việc giải quyết hậu quả của vụ việc nhạy cảm này. Trước hết, căn cứ pháp luật phải là chuẩn mực, rồi tiếp đến xem xét đến bối cảnh, địa bàn xảy ra vụ việc để có thể đưa ra phương án giải quyết vừa đúng pháp luật vừa hợp lòng người. Nhưng chắc chắn, để giữ kỷ cương phép nước, nhằm mục đích răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực này sẽ phải có một số cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước công luận. 80 cô giáo và những người liên quan sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý không giống nhau. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó họ cũng là nạn nhân, là bị hại của một “văn hoá chạy” nên cần cân nhắc, thận trọng trong quá trình xử lý. Thay vì trừng phạt, xử lý nghiêm thì một quyết định theo hướng răn đe, giáo dục với các cô giáo sẽ có tác dụng tốt mọi mặt đối với bản thân và xã hội.
P.V: Theo ông, việc chạy công chức, viên chức là do đâu?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Trước hết là do khoản lương quá ít ỏi so với trách nhiệm và công việc của công chức, viên chức. Mà lương thấp thì phải bù đắp lại bằng những khoản thu nhập ngoài lương, đôi khi là khoản bất hợp pháp như trong trường hợp này. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng không phát huy tác dụng, vẫn chủ yếu là hô hào, hình thức. Cơ quan phòng chống tham nhũng tại địa phương xử lý vấn nạn chạy công chức, viên chức không hiệu quả, không có khả năng phát hiện và trừng phạt nạn tham nhũng, hoặc khi phát hiện thì xử lý nội bộ. Khác với các nhóm tội phạm khác, loại tội phạm tham nhũng này thường được thực hiện bởi những chủ thể có chức vụ quyền hạn, có học vấn và có khả năng tư duy trong việc che đậy hành vi phạm tội. Một nguyên nhân khác là do pháp luật quy định cả người đưa hối lộ và nhận hối lộ đều phạm tội nên việc phát hiện, xác minh và điều tra loại tội phạm này càng trở nên khó khăn hơn. Và một điều nữa, “văn hóa chạy” đã hình thành và tồn tại từ lâu nên việc nhờ vả và giúp đỡ chỗ này chỗ kia đã trở nên bình thường.
P.V: Cần có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng chạy công chức, viên chức, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Giải pháp mang tính quy phạm chúng ta không thiếu, nhưng giải pháp thực tiễn thì không đơn giản. Cả hệ thống chính trị, người lao động và người sử dụng lao động cần phải nhận diện mặt tiêu cực, hậu quả lâu dài cho xã hội Việt Nam của nạn chạy công chức, viên chức. Các vị lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương cũng cần có thay đổi tư duy thì căn bệnh này mới dần được đẩy lùi và triệt tiêu. Câu chuyện chạy công chức, viên chức không mới nhưng vẫn mang tính thời sự về vai trò của ngành nội vụ trong giải quyết vấn nạn này. Giải pháp, chính sách là do con người đề ra và do con người thực hiện, nếu giải pháp tốt mà không được chỉ đạo và giám sát thực hiện bởi những người có tâm, có tài và có tầm thì xem ra giải pháp đó cũng chỉ nằm trên giấy.
Xin cảm ơn luật sư!
Thu Trang (thực hiện)
(Theo Báo Lao động thủ đô)
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|