Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, tranh tụng phải bắt đầu kể từ khi có hoạt động buộc tội chứ không đơn thuần chỉ là hoạt động tranh luận tại phiên tòa. Có buộc tội thì có nhu cầu kiểm tra, bổ sung chứng cứ, tranh luận, phản biện lẫn nhau. Do đó việc bảo đảm tranh tụng là tạo ra và bảo đảm cho các chủ thể thực hiện tốt chức năng tố tụng của mình.
Thiếu bình đẳng
Nhiều chuyên gia nhận xét hiện nay hoạt động tranh tụng ở nước ta chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên buộc tội và gỡ tội.
Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ nói tranh tụng mà một bên nhân danh nhà nước, còn một bên chỉ là người tham gia tố tụng thì “ngay cái tên cũng đã thấy không ngang hàng”. Theo ông Độ, khoảng 70% phiên tòa hình sự hiện nay vắng mặt nhân chứng, trong khi luật sư không hề hay biết gì về việc ghi nhận lời khai của nhân chứng trước đó. Ra tòa, dù nhân chứng khai sai sự thật nhưng bị cáo cũng không có quyền được hỏi nhân chứng mà chỉ được đề nghị chủ tọa hỏi. “Như vậy là có tranh tụng nhưng không có bình đẳng” - ông Độ nói.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng đồng tình rằng rất nhiều phiên tòa hiện nay vắng nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc những chủ thể này vắng mặt tại phiên tòa khiến tính chất tranh tụng không được đảm bảo. Mặt khác, việc hoãn hay tiếp tục xét xử khi vắng nhân chứng, vắng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là tùy vào HĐXX, dẫn đến sự tùy tiện. Vì vậy BLTTHS cần có quy định chặt chẽ hơn.
Bảo đảm quyền bào chữa
Theo luật sư Võ Hồng Nam (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), cần phải bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam trong việc nhờ người bào chữa, bởi hiện nay rất nhiều luật sư bị cơ quan điều tra làm khó, từ chối cho tham gia tố tụng. Cần phải cố gắng tăng số lượng án có luật sư tham gia để đảm bảo tranh tụng và hạn chế việc khi ra tòa, bị cáo nói bị ép cung, mớm cung bởi nếu có luật sư tham gia từ đầu sẽ không thể xảy ra chuyện này.
Theo quy định hiện hành, chỉ người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ mới có quyền nhờ luật sư. Luật sư Nam cho rằng quy định như vậy sẽ không đảm bảo. Chẳng hạn, nếu người bị tạm giữ, tạm giam là người mồ côi, chưa có vợ (chồng) thì làm sao có người đại diện hợp pháp ở ngoài để mời luật sư. Bản thân họ thì đang bị tạm giữ, tạm giam thì làm sao có điều kiện mời luật sư. Do đó chỉ nên quy định là “người thân” hoặc “người khác” thay vì “người đại diện hợp pháp” để mở rộng quyền nhờ người bào chữa cho họ.
Luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết ông đang có 20 đơn bị can từ chối luật sư nhưng cả 20 vụ này, sau giai đoạn điều tra thì bị can đều quay lại nhờ luật sư. “Như vậy việc từ chối luật sư có khách quan không? Liệu có đảm bảo quyền cho bị can ở đây không? BLTTHS cần sửa đổi theo hướng cho luật sư vào cùng điều tra viên hoặc luật sư vào gặp trực tiếp để hỏi bị can xem có cần luật sư hay không thì sẽ đảm bảo quyền lợi của bị can hơn”.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đồng tình: “Không thể có tranh tụng nếu không bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Chỉ cần quyền bào chữa được bảo đảm là đã thực hiện nguyên tắc tranh tụng trên thực tế. BLTTHS cần bổ sung là ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì cả người bị bắt cũng phải được bảo đảm quyền bào chữa”.
Tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì cần tuyên bố không phạm tội chứ không nên trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hủy án… quá nhiều lần khiến thân phận bị can, bị cáo lơ lửng.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn nhấn mạnh: “Cần phải quy định cụ thể rằng khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ thì tòa phải tuyên là không đủ căn cứ buộc tội chứ không thể kéo dài bằng cách trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điều tra bổ sung mãi rồi mà vẫn không chứng minh được tội phạm thì phải tuyên không đủ căn cứ buộc tội là hoàn toàn hợp lý”.
Quyền thu thập chứng cứ BLTTHS sửa đổi cần quy định người bị buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ thay vì chỉ có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Người bào chữa cũng có quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết như hiện nay. Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Viện trưởng VKSND Tối cao Quyền của luật sư Luật sư phải được gặp gỡ, hỏi thân chủ của mình trong quá trình tạm giam. Luật sư phải có quyền có mặt khi điều tra viên lấy lời khai thân chủ và cả nhân chứng. Ông TRẦN VĂN ĐỘ, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Ngăn chặn bức cung Phải làm sao để người dân thấy yên tâm về việc được xử lý đúng luật. Vì vậy, theo tôi cần phải đưa ra được các biện pháp làm sao để ngăn chặn việc bức cung, nhục hình. Ông TRẦN VĂN DŨNG, Vụ Pháp luật hành chính - hình sự (Bộ Tư pháp) |
Nguồn:liendoanluatsu.org.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|