Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Bản thân tôi cũng như rất nhiều luật sư thật sự chưa hiểu hết căn nguyên vì sao có người quyết định bước qua ranh giới của những chuẩn mực phát ngôn và căn cứ tối thiểu để bộc phát ra câu “thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”. Tự nhiên, trong tôi nảy sinh câu hỏi, vì sao nghề luật sư ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, cản ngại, chưa có điều kiện phát triển và tạo được sự đồng thuận trong xã hội? Có lẽ, nguyên nhân một phần nằm ở nhận thức của một số người được coi là có hiểu biết tinh thông về pháp luật, là đại diện “nói lên tiếng nói của người dân” mà vẫn còn quan niệm về nghề luật sư một cách sai lệch như thế…
Vì đây là câu chuyện thuộc về nhận thức và quan điểm đối với cả một nghề theo sự phân công lao động trong xã hội, nên câu nói của vị dân biểu nọ hàm chứa sự đánh giá không đúng cả lịch sử hình thành nghề luật sư trên thế giới và ở Việt Nam. Về phương diện lịch sử, luật sư với tính chất như một nghề nghiệp thật sự xuất hiện từ trước Công nguyên, có căn nguyên sâu xa từ những áp bức và bất công trong xã hội, khi quyền lợi của người dân bị áp bức, nhằm minh oan cho những người bị bắt giam vô cớ hoặc bị trừng phạt một cách độc đoán. Không phải ngẫu nhiên, hình ảnh nguyên thủy của nghề luật sư chính là các hiệp sĩ đặc biệt được nhà vua phong tặng. Họ không dùng khí giới hay bắp thịt (sức mạnh về thể lực) để chiến thắng kẻ địch, mà chỉ dùng thiên tài ngôn ngữ và sự hiểu biết rộng rãi về cổ luật để đứng ra bênh vực cho những người yếu thế, thấp cổ bé họng…
Điện thờ Parthenon- biểu tượng nền dân chủ Athena (Hy Lạp cổ đại)- Ảnh: Wikipedia.
Nảy sinh từ chính những bất công trong lòng xã hội có giai cấp, hình ảnh luật sư xuất hiện đẹp đẽ như biểu tượng về lòng nghĩa hiệp. Tinh thần cao thượng, của những hiệp sĩ thời xưa phản ánh không chỉ ước vọng ngàn đời của những tầng lớp nhân dân về lẽ công bằng, mà còn phản ánh nhu cầu tự thân của xã hội loài người, gắn kết với từng giai đoạn lịch sử được phản chiếu trong cổ luật. Ở Việt Nam thời phong kiến, xã hội phát triển căn bản dựa trên văn minh lúa nước, chưa có truyền thống dân chủ, không trọng dụng “nghề thầy cung, thầy kiện”. Tuy nhiên, tinh thần nhân văn của một số bậc minh quân cai trị dân vẫn thể hiện quan niệm “thương dân”, là người bảo vệ những kẻ yếu hèn và bảo vệ sự công bằng, nhất là những người bị tù tội. Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) khi ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm” (Đại Việt Sử ký toàn thư - dịch theo bản khắc năm Chánh Hòa thứ 18-1697, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tập 1, tr. 273).
Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ Bộ luật Hồng Đức (còn gọi là Lê triều hình luật) thời nhà Lê (1428-1788) với một ảnh hưởng sâu sắc trong sự phát triển của xã hội Việt Nam. Cùng với nó là bộ Quốc triều khám tụng điều lệ như một cột mốc đầu tiên đánh dấu trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có một bộ luật tố tụng riêng biệt. Điều đáng ngạc nhiên là tư tưởng bảo đảm quyền được tự bào chữa đã được thể hiện qua điều 691 quy định: “Những án xét rồi nhưng còn nghi ngờ thì chuyển qua quan viện thẩm hình, hội đồng nghị xét, hỏi tội phạm nhân đến khi họ nhận tội, nếu tội nhân không chịu nhận tội thì cho phép họ tự bào chữa, rồi xét lại kỹ càng…” (Quốc triều hình luật - Luật hình triều Lê, NXB Pháp lý, Hà Nội 1991, tr. 184).
Những dữ kiện lịch sử nêu trên cho thấy trong xã hội phong kiến Việt Nam, tuy nghề thầy cung, thầy kiện tuy chưa được coi trọng, nhưng trong hệ thống pháp luật thành văn, đặc biệt là bộ Quốc triều hình luật đã ghi nhận nhiều quan điểm mới, tiến bộ về việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của người phạm tội, cho phép họ tự bào chữa và bảo đảm việc “tranh biện” kỹ lưỡng. Thật hữu lý khi có thể hình dung rằng, những điểm mới, tiến bộ nêu trên đã đi trước so với các nguyên tắc nêu trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp 1789.
Lịch sử đấu tranh dành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung và nghề luật sư ở nước ta nói riêng gắn liền với công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà bộ phận cốt yếu nhất trong tư tưởng của Người chính là xây dựng một Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Trong đó có việc xây dựng một hệ thống pháp luật bảo đảm cho việc phát triển các quyền tự do và dân chủ của công dân, trực diện đề cập đến vai trò của đội ngũ luật sư trong việc bảo đảm quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của công dân như là một thành trì cốt yếu bảo đảm thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người…
Kỳ II: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Từ trải nghiệm thực tiễn đến tạo dựng nghề luật sư cách mạng Việt Nam
TS.LS Phan Trung Hoài
Nguồn Liendoanhluatsu.org.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|