Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên TW Đảng, Viện trưởng VKSTC, Trưởng Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung BLTTHS; ông Hoàng Nghĩa Mai - Thường trực Ban soạn thảo. Về phía chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo có TS Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án TANDTC, TS.LS Phan Trung Hoài - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Luật sư LĐLSVN, Phó Trưởng Tiểu ban Luật TTHS, Thành viên Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung BLTTHS; Trung tướng Triệu Văn Đạt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an; Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; Thiếu tướng Trần Trung Dũng - Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an; TS Nguyễn Văn Quảng - Viện trưởng VKS Hải Phòng; PGS.TS Nguyễn Thái Phúc - Giám đốc Học viện Tư pháp; GS.TS. LS Đỗ Ngọc Quang - Đại học Quốc gia Hà Nội... và gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, Đại học Luật Hà Nội, Học viện An ninh, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tham dự Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSNDTC - phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSTC - đã đề cập những điểm mới trong dự thảo chương về “chứng cứ và chứng minh”, chương “khởi tố, điều tra vụ án hình sự”. Đặc biệt, ông nhấn mạnh dự thảo lần này thể hiện chủ trương yêu cầu tăng cường tranh tụng, quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ; quy định người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập; đối với những người tham gia tố tụng khác, ngoài quyền đưa ra tài liệu, đồ vật như quy định hiện hành, bổ sung cho họ quyền đưa ra chứng cứ (Điều 82, 85). Đồng thời, bỏ quy định chỉ cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền sử dụng chứng cứ; bổ sung 3 nguồn chứng cứ để phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua, gồm: lời khai của người bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết luận định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp (Điều 67). Ông cũng nhấn mạnh một nội dung quan trọng liên quan thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 142, 145); quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 146); quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 147)...
Dự thảo lần này sửa theo hướng việc điều tra chủ yếu do Cơ quan điều tra cấp huyện và cấp tỉnh tiến hành; Cơ quan điều tra cấp trung ương chỉ điều tra những vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc những vụ án liên quan đến nhiều tỉnh hoặc những vụ án về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Điều chỉnh thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC theo hướng điều tra các tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án hoặc người được giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tư pháp (Điều 160). Mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với lực lượng Kiểm ngư, Thuế (Điều 161). Dự thảo cũng đã rút ngắn thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, đồng thời, phù hợp với việc điều chỉnh thời hạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm. Lượng hóa cụ thể một số thời hạn tố tụng, thay cho các thời hạn có tính định tính trong Bộ luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thể chế hóa yêu cầu của Đảng về “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra” và để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tố tụng hình sự...
Được sự phân công của Ban soạn thảo, TS. LS Phan Trung Hoài trình bày tham luận “Một số ý kiến về quyền thu thập, hỗ trợ thu thập và đánh giá chứng cứ của luật sư trong tố tụng hình sự”, trong đó phân tích trong BLTTHS hiện nay quy định, cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ là cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Theo các quy định nói trên người tham gia tố tụng nói chung, người bào chữa (luật sư) nói riêng, không được xác định là người có thẩm quyền thu thập chứng cứ. Họ chỉ có quyền thu thập và đưa ra một trong những nguồn của chứng cứ đó là tài liệu, đồ vật, tình tiết có liên quan đến vụ án. Đồng thời chỉ ra thực trạng, bất cập liên quan việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư tham gia trong tố tụng hình sự, bị hạn chế về vai trò, trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ. TS. LS Phan Trung Hoài cũng nhấn mạnh chức năng gỡ tội luôn tồn tại độc lập và đối trọng với chức năng buộc tội như một tất yếu khách quan. Với bản chất dân chủ, pháp luật TTHS của Nhà nước ta ghi nhận quyền được bào chữa (gỡ tội) của người bị buộc tội như một nguyên tắc cơ bản, coi đây là quyền Hiến định (khoản 4 điều 31 Hiến pháp quy định “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”).
TS.LS Phan Trung Hoài - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thành viên Tổ Biên tập Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) - phát biểu tại Hội thảo
Từ đó, TS LS Phan Trung Hoài đề nghị trong BLTTHS sửa đổi cần quy định rõ ràng và mang tính nguyên tắc về quyền thu thập, hỗ trợ thu thập và đánh giá chứng cứ của luật sư. Bên cạnh việc mở rộng phạm vi và thời điểm thu thập chứng cứ, một vấn đề quan trọng là quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa không phụ thuộc vào sự đồng ý của nhân chứng, của tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin có giá trị là chứng cứ, cũng như cần phải được sự hỗ trợ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nếu gặp sự cản trở. Khi có yêu cầu cung cấp chứng cứ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng yêu cầu của người bào chữa. Cần quy định trình tự khiếu nại của người bào chữa khi yêu cầu hỗ trợ cung cấp, thu thập chứng cứ không được các cơ quan tiến hành tố tụng đáp ứng. Ngoài ra, nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, cần quy định thủ tục và trình tự đánh giá chứng cứ do các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư thu thập nhằm xác định phạm vi tranh tụng công khai và đảm bảo phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa (toàn văn tham luận sẽ được đăng tải trên Tạp chí Luật sư sắp tới).
Trong chương “Khởi tố, điều tra vụ án hình sự”, TS LS Phan Trung Hoài kiến nghị mở rộng phạm vi hỗ trợ pháp lý của luật sư đối với người bị tình nghi phạm tội ngay từ khi được Cơ quan điều tra triệu tập do có đơn báo, tố giác tội phạm; cụ thể hóa các quy định liên quan việc người bị bắt, tạm giữ, bị can khi nhận quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can phải được lập biên bản ghi nhận quyền yêu cầu nhờ luật sư; quyền gặp mặt, làm việc với bị can trong giai đoạn điều tra không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung bị can của Điều tra viên; được chủ động đặt câu hỏi và thể hiện nội dung câu hỏi của luật sư trong biên bản hỏi cung bị can; và vai trò, sự hiện diện trong một số hoạt động điều tra nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan, công bằng.
Sau trọn một ngày Hội thảo, Ban soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp chi tiết, cụ thể của các chuyên gia, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng và các nhà khoa học, nhằm chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo BLTTHS (sửa đổi) để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi theo kế hoạch của Ban soạn thảo sắp tới, trong đó có dự thảo Chương 7 về “bào chữa” do Liên đoàn Luật sư Việt Nam được phân công chuẩn bị dự thảo.
P.V. (Ảnh: http://www.vksndtc.gov.vn)
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|