Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, để cụ thể hóa “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” thì cần xác định rõ nội hàm, phạm vi và phương thức thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ông Bình, loại ý kiến thứ nhất cho rằng nguyên tắc tranh tụng không đồng nhất với việc thay thế mô hình tố tụng dân sự Việt Nam theo truyền thống tố tụng thẩm vấn sang tố tụng tranh tụng, mà cần phải tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhằm bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong thủ tục tố tụng dân sự thì nguyên tắc tranh tụng cần được thể hiện ngay từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc xét xử.
Trong đó nội dung cơ bản đầu tiên của nguyên tắc tranh tụng là đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp hoặc phản đối yêu cầu của đương sự khác. Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tố tụng các chứng cứ đều được công khai...
Thứ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, nhiều nước khi ra tòa bắt buộc phải trao đổi chứng cứ và được tự do tranh tụng (Ảnh: ND)
Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai lại cho rằng, cần giữ nguyên mô hình tố tụng thẩm vấn chủ yếu được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, chỉ sửa đổi, bổ sung quyền tranh luận của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa nhằm thể hiện phiên tòa công khai, dân chủ.
Theo ông Bình, TANDTC đồng tình với loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện trong nội dung dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp cũng như quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa.
Để hiện thực hóa điều này, trong các phiên xét xử phải bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ hoặc để bào chữa. Trên cơ sở đó, các bên phải được biết về tài liệu, chứng cứ và được tự do tranh luận tại phiên tòa.
Có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, nhiều nước bắt buộc phải trao đổi chứng cứ, ra tòa các bên đều nắm được chứng cứ của nhau. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm này từ các nước.
Đề cập đến vấn đề liên quan đến phiên tòa có yếu tố nước ngoài, theo ông Ngọc, bất cập hiện nay là sự đồng nhất, coi như vụ việc thuần túy tại Việt Nam, trong khi đó phiên tòa có yếu tố nước ngoài có nhiều tình huống đòi hỏi thời gian dài hơn. Nếu áp dụng như trong nước thì không giải quyết được, vì có những vụ việc cần ủy thác tới 10 lần, thời gian kéo rất dài.
Đặc biệt những vụ án liên quan đến tranh chấp bất động sản có yếu tố nước ngoài, nhà đầu tư lại muốn xét xử ở nước ngoài nên rất khó khăn. Để khắc phục điều này, Bộ luật sửa đổi tới đây cần có nguyên tắc thẩm phán, khi có yếu tố nước ngoài, bắt buộc phải cho các bên tranh tụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu: Xét xử tái thẩm, giám đốc thẩm có tranh tụng không? Điều này trong luật sửa đổi không được thể hiện rõ. Ông đề nghị nguyên tắc tranh tụng phải được đảm bảo, vì thế dự thảo luật cần lý giải thế nào để phù hợp với Hiến pháp.
Nguồn: infonet.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|