Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Cộng hòa An-giê-ri có nhiều điểm lịch sử, kinh tế-xã hội tương đồng với Việt Nam. Nghề công chứng tại An-giê-ri chịu ảnh hưởng từ công chứng của Pháp (từ thời kỳ là thuộc địa của Pháp). Từ năm 1971, nhà nước An-giê-ri thực hiện quốc hữu hóa công chứng, công chứng viên trở thành công chức của Tòa án và ký văn bản công chứng trên danh nghĩa Tòa án. Sau những biến cố xã hội vào những năm 90, An-giê-ri đã đổi mới hoạt động công chứng. Luật về tổ chức nghề công chứng năm 2006 đã quy định nghề công chứng trở lại thành một nghề tự do. Có thể nói quá trình chuyển đổi này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Bài viết này giới thiệu quy định pháp luật công chứng An-giê-ri về tổ chức hành nghề công chứng, đội ngũ công chứng viên, văn bản công chứng và tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên nhằm đóng góp thêm kinh nghiệm tham khảo trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014).
Các quy định về công chứng của An-giê-ri được quy định tại Luật số 06-02 ngày 20/2/2006 về tổ chức nghề công chứng (Loi no06-02 portant l’organisation de la profession de notaire) và một số Nghị định hướng dẫn: Nghị định số 08-242 quy định về điều kiện vào nghề, hành nghề, tổ chức nghề (quy định chi tiết việc thành lập các Hội công chứng) và kỷ luật công chứng viên, Nghị định số 243-08 quy định về thù lao công chứng viên, Nghị định số 08-244 quy định về lập và kiểm tra số sách kế toán của công chứng viên, Nghị định số 08-245 về quản lý và lưu trữ tài liệu công chứng.
Luật về tổ chức nghề công chứng An-giê-ri bao gồm những nội dung chính như sau: Nguyên tắc chung về nghề công chứng, tổ chức và hành nghề công chứng; tiêu chuẩn công chứng viên (trong đó có điều kiện công chứng viên phải thi đỗ ở kỳ thi tuyển quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức), chức năng của công chứng viên, những hành vi công chứng viên bị cấm không được làm; trường hợp không được kiêm nhiệm với nghề công chứng viên; hình thức và nội dung hợp đồng, văn bản công chứng; thay thế công chứng viên và quản lý tạm thời văn phòng công chứng; lưu trữ hồ sơ công chứng và con dấu; kế toán, tài chính, bảo hiểm trách nhiệm dân sự công chứng viên; Hội đồng công chứng tối cao (Conseil supérieur du Notariat) do Bộ trưởng Bộ tư pháp, chưởng ấn làm chủ tịch, Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia (Chambre nationale des notaires) và Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng (Chambre régionale des notaires); thanh tra, kiểm tra; kỷ luật công chứng viên (các hình thức kỷ luật, Hội đồng kỷ luật); Ủy ban giải quyết khiếu nại quốc gia (xem xét các kháng nghị, khiếu nại đối với các quyết định của hội đồng kỷ luật).
Luật sư Nguyễn Phú Thắng tại một Hãng luật An-giê-ri
1. Về tổ chức hành nghề công chứng
Công chứng viên ở An-giê-ri, công chứng viên không được hành nghề với tư cách văn phòng cá nhân mà chỉ có thể hoạt động theo hình thức Công ty nghề nghiệp dân sự (société civile professionnelle) hoặc Nhóm các văn phòng công chứng (bureaux groupés) (Điều 11 Nghị định). Bản chất công ty nghề nghiệp dân sự tương tự như công ty hợp danh của Việt Nam.
Công ty nghề nghiệp dân sự:
Việc thành lập Công ty nghề nghiệp dân sự phải được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp phép và do hai hay nhiều công chứng viên thuộc cùng phạm vi lãnh thổ của một tòa án thành lập (Điều 12 Nghị định). Điều lệ của công ty và những thay đổi liên quan đến công ty phải được chuyển đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội công chứng toàn quốc và Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng có thẩm quyền (Điều 13 Nghị định).
Nhóm Văn phòng công chứng (Bureaux groupés)
Công chứng viên hành nghề trong cùng thẩm quyền lãnh thổ của 1 tòa án có thể thành lập Nhóm các văn phòng công chứng. Nhóm các văn phòng công chứng là việc hai hay nhiều văn phòng công chứng tập trung lại hành nghề tại một địa điểm xác định (Điều 16 Nghị định).
Việc thành lập Nhóm các văn phòng công chứng cần được xác nhận bởi một thỏa thuận bằng văn bản, trong đó xác định rõ các khoản chi phí chung và phần đóng góp của từng công chứng viên. Sau khi có ý kiến của Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng có thẩm quyền và Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia, thỏa thuận này được trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp để đề nghị cấp phép.
Thay thế công chứng viên và quản lý tạm thời văn phòng công chứng
Trong trường hợp công chứng viên tạm thời vắng mặt hoặc tạm thời không thực hiện được công việc của mình thì phải bố trí công chứng viên khác thay thế sau khi có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chưởng ấn; công chứng viên tự chọn người thay thế; nếu không tự chọn người thay thế, thì hội đồng công chứng cấp vùng lựa chọn người thay thế trong phạm vi thẩm quyền lãnh thổ của tòa phúc thẩm.
Văn bản công chứng phải được lập nhân danh công chứng viên thay thế; tên của công chứng viên được thay thế và văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chưởng ấn về việc chấp thuận thay thế công chứng viên phải được nêu trong văn bản do công chứng viên thay thế lập; nếu không có các nội dung này, văn bản đó sẽ vô hiệu (Điều 33 Luật về tổ chức nghề công chứng).
Trong trường hợp văn phòng công chứng không có công chứng viên do công chứng viên chết, bị bãi nhiệm hoặc bị tạm đình chỉ công tác hoặc vì bất kỳ lý do nào khác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chưởng ấn, theo đề nghị của chủ tịch Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia, chỉ định một công chứng viên quản lý văn phòng công chứng cho đến khi hoàn thành thủ tục đóng cửa văn phòng công chứng hoặc cho đến khi văn phòng công chứng được bố trí công chứng viên (Điều 35 Luật về tổ chức nghề công chứng).
2. Về đội ngũ công chứng viên
Tính đến ngày 31/12/2013, An-giê-ri có 1660 công chứng viên trong đó có 446 công chứng viên nữ, có 7 công chứng viên nguyên là thẩm phán tại tòa án.
Điều kiện trở thành công chứng viên: Người muốn trở thành công chứng viên phải có quốc tịch An-giê-ri, có bằng đại học luật hoặc tương đương, đủ 25 tuổi trở lên, có đầy đủ quyền dân sự và chính trị, có đủ sức khỏe để hành nghề công chứng, có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo hành nghề công chứng, không bị kết án, chưa từng bị phá sản, không phải là một trong những đối tượng như công chức bị đuổi việc, luật sư bị gạch tên, nhân viên của Nhà nước bị kỷ luật và phải được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chưởng ấn bổ nhiệm làm công chứng viên (Điều 5,6,7 Luật về tổ chức nghề công chứng An-giê-ri).
Đào tạo công chứng viên:
Công chứng viên đã đủ điều kiện phải tham gia kỳ thi tuyển đầu vào do Bộ Tư pháp tổ chức để được theo học chương trình đào tạo cấp Chứng chỉ hành nghề công chứng. Kỳ thi bao gồm phần thi viết và thi nói. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định phương thức tổ chức kỳ thi, số lượng môn thi, thời gian, hệ số bài thi, chương trình thi và thành phần giám khảo sau khi tham vấn ý kiến của Hội đồng Công chứng quốc gia (Điều 2 Nghị định). Thời gian đào tạo để được cấp Chứng chỉ hành nghề công chứng (certificat d’aptitude professionnelle du notariat) là 02 năm. Kết thúc khóa đào tạo, các ứng viên công chứng viên phải trải qua một kỳ thi gồm các môn thi viết, nói và bảo vệ luận văn tốt nghiệp; trong trường hợp thi đỗ các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề công chứng. Nội dung của chương trình đào tạo và việc phân bổ số lượng giờ học do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi tham vấn Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia.
Đối tượng được miễn thi và đào tạo nghề công chứng gồm có Thẩm phán của Tòa án tối cao và Tham chính viện.
Thẩm quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công chứng viên (Từ Điều 9- Điều 43 Luật về tổ chức nghề công chứng):
Công chứng viên có thẩm quyền lập văn bản công chứng và trực tiếp thu và nộp vào kho bạc các loại thuế, phí mà các bên phải nộp cho ngân sách nhà nước; có nghĩa vụ giữ bí mật chuyên môn, không được từ chối soạn thảo văn bản trừ trường hợp văn bản trái với quy định của pháp luật phải lưu trữ hồ sơ công chứng, lập số sách kế toán theo dõi thu chi của mình và khách hàng. Công chứng viên phải mở tài khoản ký quỹ tại kho bạc và chuyển các khoản tiền mà công chứng viên giữ của khách hàng vào tài khoản này. Công chứng viên nhận thù lao trực tiếp từ khách hàng theo biểu phí chính thức và phải phát hành hóa đơn ghi chi tiết các khoản thù lao đó.
Công chứng viên có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Điều 43 Luật về tổ chức nghề công chứng).
Công chứng viên bị cấm thực hiện các hành vi sau đây (Từ Điều 19 đến Điều 22 Luật về tổ chức nghề công chứng): không được nhận lập hợp đồng văn bản trong một số trường hợp: Hợp đồng, văn bản trong đó công chứng viên là một bên có liên quan, là người đại diện hoặc người được ủy quyền dưới bất kỳ danh nghĩa nào; Hợp đồng, văn bản có các quy định ưu đãi dành cho công chứng viên… có liên quan đến ông bà, cô, dì, chú, cậu bác, anh chị em họ cho đến đời thứ 4. Nghiêm cấm công chứng viên, dù trực tiếp, gián tiếp hay thông qua người trung gian, tham gia các hoạt động thương mại, ngân hàng hoặc bất kỳ hoạt động mang tính đầu cơ nào khác.
3. Văn bản công chứng (Từ Điều 26-Điều 31 của Luật về tổ chức nghề công chứng): Văn bản công chứng do công chứng viên lập. Văn bản công chứng phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật, trong trường hợp vi phạm văn bản công chứng sẽ bị vô hiệu: văn bản công chứng phải được lập bằng tiếng Ả-rập, chữ viết rõ ràng; không viết tắt; không có khoảng trắng, khoảng trống; ngày, tháng, năm ký văn bản phải được ghi bằng chữ; những đoạn dẫn chiếu bên lề và bên dưới trang văn bản và số lượng từ bị gạch trong toàn bộ văn bản phải được ký xác nhận bởi công chứng viên và các bên, trong trường hợp cần thiết, còn được ký bởi người làm chứng và người phiên dịch.
Giá trị của văn bản công chứng (Điều 31 Luật về tổ chức nghề công chứng): Văn bản công chứng là chứng cứ về sự thỏa thuận của các bên liên quan (ví dụ: mua bán, thế chấp, tặng cho...) được đóng dấu « thi hành », do vậy, có hiệu lực thi hành ngay theo quy định pháp luật hiện hành nói chung và pháp luật về thi hành quyết định của tòa án nói riêng (trong trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện thì văn bản công chứng được giao cho cơ quan thi hành án thực hiện).
4. Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên tại An-giê-ri được tổ chức thành 3 cấp, gồm: Hội đồng công chứng tối cao (le Conseil supérieur du notariat); Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia (la Chambre nationale des notaires) và Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng (la Chambre régionale des notaires) (hiện nay tại An-giê-ri có 03 tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng cấp vùng). Tất cả công chứng viên phải tham gia và chịu sự quản lý của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên.
a) Hội đồng công chứng tối cao (Conseil supérieur du notariat): (Điều 44 Luật về tổ chức công chứng 2006 và từ Điều 19 đến Điều 24 Nghị định hướng dẫn số 08-242).
Hội đồng công chứng tối cao do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chưởng ấn làm Chủ tịch. Cơ cấu thành phần của Hội bao gồm đại diện của Bộ Tư pháp, Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia và Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng, cụ thể như sau: Cục trưởng Cục các vấn đề tư pháp và pháp lý -Bộ Tư pháp; Vụ trưởng Vụ các vấn đề dân sự và con dấu Nhà nước -Bộ Tư pháp; Vụ trưởng Vụ các vấn đề hình sự và đặc xá- Bộ Tư pháp; Chủ tịch Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia; Chủ tịch các Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng;
Hội đồng công chứng tối cao (Điều 20 Nghị định hướng dẫn) chịu trách nhiệm xem xét tất cả các vấn đề chung liên quan đến nghề công chứng, đặc biệt đối với những vấn đề sau: thành lập Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng; giải quyết vướng mắc của nghề công chứng; thúc đẩy phát triển nghề; tuân thủ các quy tắc hành nghề công chứng; xây dựng chương trình đào tạo nghề công chứng; bộ phận thư ký của Hội đồng Công chứng tối cao do Vụ trưởng Vụ các vấn đề dân sự và con dấu Nhà nước thuộc Bộ Tư pháp đảm nhiệm.
b) Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia (la Chambre nationale des notaires):(Điều 45 Luật về tổ chức công chứng 2006 và từ Điều 25 đến Điều 31 Nghị định hướng dẫn).
Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia gồm có Chủ tịch Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia; Chủ tịch các tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng, đại diện các Phó Chủ tịch tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng; tổng thư ký; kế toán trưởng; các đại diện được ủy quyền của từng tổ chức xã hội-nghề nghiệp vùng do các tổ chức xã hội-nghề nghiệp vùng bầu ra trong thời hạn 03 năm theo số lượng công chứng viên hành nghề trong phạm vi thẩm quyền lãnh thổ phù hợp với phương thức bầu quy định tại Điều lệ tổ chức xã hội-nghề nghiệp vùng.
Tổ chức xã hội-nghề nghiệp quốc gia có chức năng đảm bảo sự tuân thủ các quy định và thông lệ nghề công chứng, có nhiệm vụ cụ thể sau (Điều 26 Nghị định hướng dẫn): Xây dựng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chung của công chứng viên; áp dụng các quyết định của Hội đồng Công chứng tối cao; bồi dưỡng công chứng viên và nhân sự làm việc tại văn phòng công chứng; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo; dự báo và hòa giải các mâu thuẫn nghề công chứng giữa các Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng và giữa các công chứng viên của các vùng khác nhau, trong trường hợp hòa giải không thành, tuyên bố các quyết định thi hành; xem xét các báo cáo thanh tra và ý kiến của các Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng liên quan và ban hành các quyết định phù hợp.
c) Tổ chức xã hội- nghề nghiệp công chứng vùng (la Chambre régionale des notaires) (Điều 46 của Luật về tổ chức công chứng 2006, từ Điều 32 đến 34 của Nghị định hướng dẫn)
Tổ chức xã hội- nghề nghiệp công chứng vùng (la Chambre régionale des notaires) được thành lập theo quyết định của Bộ Tư pháp, Chưởng Ấn, được cơ cấu theo số lượng công chứng viên hành nghề trong phạm vi thẩm quyền lãnh thổ. Ứng cử viên để được bầu vào Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng phải là công chứng viên đã có 07 năm kinh nghiệm hành nghề. Nhiệm kỳ của Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng là 03 năm và chỉ được bầu lại 01 lần.
Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng có chức năng hỗ trợ Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng quốc gia hoàn thành nhiệm vụ, với tư cách đó, Tổ chức xã hội-nghề nghiệp công chứng vùng có những nhiệm vụ sau: đại diện quyền lợi và lợi ích chung của công chứng viên; dự báo và hòa giải tất cả mâu thuẫn nghề nghiệp giữa công chứng viên; giải quyết khiếu nại của công chứng viên, đưa ra đề xuất về đào tạo công chứng viên và các nhân viên của văn phòng công chứng và về cải thiện điều kiện làm việc của các văn phòng công chứng.
Qua nghiên cứu trên đây cho thấy, An-giê-ri có nền công chứng chịu ảnh hưởng của công chứng Pháp và có lộ trình phát triển từ mô hình công chứng của Pháp sang công chứng nhà nước và gần đây lại chuyển từ công chứng nhà nước sang mô hình xã hội hóa tương tự như Việt Nam. Công chứng viên An-giê-ri có thẩm quyền rộng, được quản lý chặt chẽ. Các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên An-giê-ri khá phát triển, có vai trò quan trọng trong việc tham gia quản lý hoạt động hành nghề công chứng, giúp cơ quan nhà nước trong việc giám sát, bảo đảm cho hoạt động hành nghề được đúng pháp luật. Việc quản lý công chứng viên là sự phối kết hợp giữa quản lý nhà nước (Bộ Tư pháp) và chế độ tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương (cấp vùng). Công chứng viên bắt buộc phải là thành viên của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp và chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp này. Văn bản công chứng tại An-giê-ri có giá trị chứng cứ và có hiệu lực thi hành ngay. Công chứng viên ngoài thẩm quyền lập văn bản công chứng còn có chức năng thay mặt khách hàng thu các loại thuế, phí để nộp cho Nhà nước, đồng thời phối hợp với cơ quan quản lý, đăng ký đất đai, nhà ở, để hoàn tất giấy tờ cho khách hàng. Hiện nay, nền công chứng An-giê-ri có tính hội nhập quốc tế cao, An-giê-ri là thành viên của Liên minh công chứng quốc tế (UINL) từ năm 2005. Nghề công chứng viên tại An-giê-ri có uy tín trong xã hội, được người dân và xã hội tin cậy, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của An-giê-ri./.
Nguyễn Thị Tú Anh
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|