Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, “Nếu chủ đầu tư (Tổng Công ty HUD – PV) liên tục không khắc phục sai phạm, không đảm bảo tiến độ, căn cứ vào kiến nghị của UBND cấp quận, huyện và các cơ quan hiệp quản giúp việc cho Ủy ban, UBND TP Hà nội có thể xem xét về việc tạm dừng hoặc thu hồi dự án.”
Hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp lớn?
Như đã đưa tin, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu xử lý hàng loạt dự án bất động sản của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Trước đó, Thanh tra TP Hà Nội đã đưa ra kết luận về một loạt sai phạm của chủ đầu tư tại dự án Vân Canh của HUD. Cụ thể, trong quá trình xây dựng nhà ở thấp tầng dự án Vân Canh, HUD chưa thực hiện đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở, xây 2 sân tennis và nhà quản lý vào khu cây xanh, nhà liền kề không đúng chiều cao quy hoạch…
Tại thời điểm kiểm tra, HUD còn chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Tập đoàn này mới nộp 483,93 tỷ đồng trên tổng số 843,62 tỷ đồng phải nộp. Chi cục thuế huyện Hoài Đức đã ra văn bản về việc phạt chậm nộp tiền sử dụng đất dự án. Số tiền phạt chậm nộp tính đến ngày 28/2/2011 là 226,82 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, liên quan đến lô đất ký hiệu NT1 tại khu đô thị mới Định Công mà HUD chuyển nhượng cho Trường mầm non tư thục Bình Minh, Thanh tra Sở TNMT Hà Nội cho rằng việc chuyển nhượng này là trái với quy định của pháp luật.
Theo Quyết định số 543/TTg năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ giao đất để thực hiện dự án khu đô thị mới Định Công thì HUD phải bàn giao toàn bộ diện tích đất để xây dựng công trình công cộng cho UBND thành phố (không bồi hoàn) để thành phố giao cơ quan chuyên ngành quản lý, khai thác.
Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu HUD phải nộp lại số tiền khi nhận chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật cho Trường mầm non tư thục Bình Minh vào ngân sách.
Đánh giá sự việc dưới góc độ pháp lý, báo Kinh doanh và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Nguyễn Phú Thắng.
HUD có thể bị tạm dừng hoặc thu hồi dự án nếu không khắc phục sai phạm?
Ông Nguyễn Phú Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật UBND TP Hà Nội có thẩm quyền quyết định trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô.
Pháp luật cũng quy định, dựa trên kết luận của cơ quan Thanh tra, TP Hà Nội có văn bản khẳng định việc vi phạm pháp luật đầu tư, vi phạm một trong các nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư về: Tiến độ thực hiện dự án; Triển khai dự án không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt; Chuyển nhượng hay huy động vốn trái pháp luật; Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách; Không thực hiện hoặc thực hiện không đủ các quy định khác tại Giấy chứng nhận đầu tư và các quy phạm pháp luật liên quan như: Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật xây dựng, môi trường... Trong trường hợp này, UBND TP Hà Nội sẽ có văn bản thông báo cho đơn vị có sai phạm để kịp thời khắc phục trong một khoảng thời gian luật định.
Trong trường hợp các sai phạm không được khắc phục, hoặc khắc phục không đầy đủ mà không thuộc trường hợp bất khả kháng, UBND TP sẽ xem xét tới việc thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư khác. Vấn đề này được quy định tại Luật Đất đai, Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này.
“Tuy nhiên, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn, thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, UBND TP Hà Nội vận dụng các quy định của pháp luật, trong phạm vi thẩm quyền sẽ xem xét gia hạn thời hạn thu hồi đất đối với những dự án mà chủ đầu tư đã không thực hiện đúng quy định nêu trên. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó phải là một khoảng thời gian hợp lý và không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật”, Luật sư Thắng nói.
Đối với dự án vẫn đang trong quá trình triển khai thì phải xem dự án đó được triển khai như thế nào, có thi công đảm bảo tiến độ hay không? Thông thường các nhà đầu tư bao giờ cũng phải cam kết các tiến độ với UBND TP Hà Nội, UBND cấp quận, huyện nơi giao nhận đất để triển khai dự án. Thực tế không phải không có một số chủ đầu tư triển khai dự án kiểu cầm chừng, “câu giờ” để “che mắt” cơ quan quản lý, khẳng định với đối tác, nhà băng và khách hàng của mình.
Nếu chủ đầu tư liên tục không đảm bảo tiến độ, căn cứ vào kiến nghị của UBND cấp quận, huyện và các cơ quan hiệp quản giúp việc cho Ủy ban, thì UBND TP Hà Nội có thể xem xét về việc tạm dừng hoặc thu hồi dự án. Tuy nhiên, đối với việc thu hồi các dự án đã và đang triển khai thì các cơ quan chức năng phải xem xét thận trọng; thấu đáo để không chỉ bảo đảm lợi ích Nhà nước mà còn phải tính đến lợi ích, đời sống của người dân và các bên liên quan.
HUD có 1 tháng để nộp hơn 200 tỷ tiền bị phạt vì chậm thuế?
Cũng theo Luật sư Thắng, đối với hành vi chậm nộp tiền thuế của HUD thì Chi cục thuế nơi Công ty có trụ sở chính có quyền thông báo phạt chậm nộp theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 166/2013/TT-BTC Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, tùy theo thời gian mà mức mà công ty HUD chậm nộp.
Ở đây, Chi cục thuế huyện Hoài Đức đã ra văn bản về việc phạt chậm nộp tiền sử dụng đất dự án tính đến ngày 28/2/2011 đối với HUD là 226,82 tỷ đồng.
Theo quy định tại Nghị định 83/2013 hướng dẫn về Luật Thuế mới đây thì, trước hết doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp khoản thuế bị chậm sau đó mới đến khoản tiền bị phạt do chậm thuế.
Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày các cơ quan chức năng có văn bản về việc chậm thuế, tiền phạt chậm thuế đối với Tổng Công ty HUD, đơn vị này phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách các khoản tiền thuế bị chậm và số tiền phạt tương ứng với thời gian chậm nộp.
Tuy nhiên, văn bản thông báo chậm thuế và tiền phạt do nộp chậm của HUD, cơ quan thuế chức năng có thể ấn định thời hạn cuối cùng mà HUD phải nộp, HUD sẽ thực hiện đúng thời hạn tại văn bản đó. Trường hợp cố tình không thực hiện sẽ bị cưỡng chế nộp thuế theo luật định.
Hậu quả pháp lý của Hợp đồng trái luật được giải quyết thế nào? Liên quan đến lô đất mà HUD chuyển nhượng cho Trường mầm non tư thục Bình Minh ở Định Công, Luật sư Nguyễn Phú Thắng nhận định: Nếu Thanh tra sở TNMT đã đưa ra kết luận mà đối tượng bị thanh tra (tức Tổng Công ty HUD) không đồng ý , họ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có khiếu nại thì kết luận của cơ quan thanh tra sẽ là cơ sở để UBND TP Hà Nội ban hành những quyết định hành chính. Đó có thể là quyết định liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi các giấy phép khác liên quan đến dự án...
Dự án Vân Canh.
Một vấn đề cần quan tâm hơn cả là giải quyết hậu quả pháp lý của việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật giữa Trường mầm non Bình Minh và Tổng Công ty HUD. Về vấn đề này, cần phải xem xét hình thức, nội dung của Bản hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên có trái pháp luật hay không.
Nếu trái, thì phải hủy bỏ hoặc bị Tòa án tuyên vô hiệu. Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, đối với một đồng kinh tế bị coi là vô hiệu, thì các bên sẽ phải trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Như vậy, ở đây Tổng Công ty HUD sẽ phải trả lại tiền cho Trường mầm non Bình Minh và ngược lại, trường Bình Minh sẽ chuyển lại dự án liên quan đến quyền sử dụng đất cho HUD. Nếu bên nào có lỗi thì bên đó phải bồi thường thiệt hại. Nếu cả hai bên cùng có lỗi thì tính tỷ lệ lỗi của các bên để đối trừ bồi thường.
Việc giải quyết hậu quả pháp lý của Bản hợp đồng chuyển nhượng bị hủy bỏ hay bị vô hiệu, cần phải cân nhắc cẩn trọng, đề xuất các giải pháp hợp lý nhất. Trường mầm non đã đi vào hoạt động, việc giải quyết hợp đồng chuyển nhượng trái pháp luật giữa hai bên phải xem xét toàn diện các yếu tố liên quan như: Hợp đồng lao động cán bộ giáo viên; quyền lợi của phụ huynh và con em là học sinh của trường Bình Minh; quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông của Nhà trường.
Liệu việc thu hồi tiền chuyển nhượng trái phép có khả thi ?
“Việc UBND thành phố yêu cầu HUD phải nộp lại số tiền khi nhận chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật thu được từ Hợp đồng chuyển nhương để nộp vào ngân sách, tôi cho rằng giải pháp này cũng chưa triệt để,” Luật sư Thắng nói.
"TP hà Nội sẽ căn cứ vào tài liệu nào để xác định số tiền phải thu hồi? Liệu cơ quan chức năng có chắc chắn rằng số tiền thể hiện trên hợp đồng là số tiền chuyển nhượng thực tế giữa hai bên hay không hay còn có những khoản “ẩn” đằng sau đó nữa? Sau sự việc này, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện việc chuyển nhượng trái phép rồi họ chuyển lại một tỷ lệ nhỏ cho Nhà nước thì sao?" ông Thắng băn khoăn.
Ông Thắng nói thêm: "Đó là chưa kể tới việc có thu được toàn bộ số tiền đó (tiền thể hiện trên hợp đồng) hay không? sẽ thu hồi trong thời gian bao lâu? Cơ quan nào đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc nộp Ngân sách của đơn vị này, nhất là trong hoàn cảnh cách doanh nghiệp đang đói vốn cho hiện nay? Do vậy phải hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng các ý kiến khác nhau trước khi ban hành một quyết định có hiệu lực pháp luật"./.
Theo Quyết Nguyễn (Báo kinh doanh và Pháp luật)
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|