Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Trẻ em như búp trên cành
Có thể nói, một trong những lý do khiến tình trạng bạo hành trẻ em có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua là vì hiểu sai quan niệm “thương con cho roi cho vọt”. Nhiều người coi việc sử dụng vũ lực để dạy con là chuyện bình thường, chỉ những trường hợp vi phạm về thân thể dẫn đến thương tích mới được các cơ quan chức năng xử lý.
Bên cạnh đó, tâm lý “việc gia đình là việc riêng của nhà người ta” phần nào là tư duy ăn sâu vào các cấp đoàn thể, chính quyền, tổ dân phố, cụm dân cư. Ngoài ra, sự phối hợp của các ngành, các cấp từng lúc, từng nơi chưa đồng bộ, thiếu kịp thời. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở phường, xã biến động nhiều và chưa được đào tạo bài bản, chưa được hưởng các chế độ xứng với công việc được giao phó.
Hậu quả là nhiều trẻ em bị đối xử tệ bạc, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, làm tổn hại khả năng học tập, khả năng giao giao tiếp và làm suy yếu sự phát triển bình thường của trẻ. Cái chết của cháu Đỗ Doãn Lộc (8 tuổi, trú tại TP Bắc Ninh) không phải vụ án đầu tiên mà trẻ bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật từ chính người sinh ra mình.
Trong Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Luật Hình sự; Luật Hôn nhân gia đình và hàng loạt các văn bản pháp luật khác đều có các quy định nghiêm cấm hành vi bạo hành trẻ em. Tại điều 7 (Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em) quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác; Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật.
Luật này cũng nêu rõ trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 (Điều 26, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em) quy định về Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em: “Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
Trở lại với cái chết thương tâm của cháu Lộc, đây không phải là lần đầu tiên cháu bị bố và người tình đánh đập. Ngoài trách nhiệm của người bố, qua sự việc này, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn về trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ bảo vệ trẻ em ở địa phương và các cơ quan đoàn thể liên quan. Gần một năm cháu bé về ở với bố đẻ, cháu thường xuyên bị bố đánh đập, nếu chính quyền địa phương phát hiện, can thiệp quyết liệt, kịp thời, họ bớt thờ ơ, không coi việc cháu bé bị đánh đập là “việc gia đình” thì chắc chắn sẽ không xảy ra hậu quả đau xót như thế.
Chính quyền địa phương liệu đã làm hết trách nhiệm?
Luật sư Thắng cho rằng: "Nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trong xảy ra nhưng chưa có một cán bộ địa phương nào bị kỷ luật"
Có thể thấy, hầu hết các văn bản Luật hoặc dưới Luật đều quy định trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế việc trẻ em bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động, bị hành hung dã man vẫn diễn ra ở khắp nơi. Điều này cho chúng ta thấy việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em còn kém hiệu quả.
Chỉ thị 1408/CT-TTg ngày 1-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, quy định: “Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, thì người đứng đầu chính quyền đó phải chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên cả nước nhưng chưa hề có một lãnh đạo của địa phương bị kỷ luật hay khiển trách. Mặt khác, hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng đã được gây dựng từ lâu nay trên khắp toàn quốc, với sự phối hợp và phân định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan được quy định cụ thể trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Công an; Tòa án, Viện Kiểm sát… nhưng có vẻ như tính hiệu quả cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan kể trên vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, thì một điều cũng phải lên án đó chính là sự vô cảm, thiếu sự quan tâm của hàng xóm láng giềng. Vụ em Lộc bị bạo hành hay nhiều vụ trẻ em bị bạo hành khác không chỉ diễn ra tức thời mà nó đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn, không có sự sẻ chia từ thôn làng, tổ dân phố… Nếu có sự sẻ chia, quan tâm của cộng đồng hàng xóm thì vụ án mạng đau lòng này có lẽ sẽ không xảy ra.
Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của một vài cá nhân mà còn là trách nhiệm của chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em đến người dân đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em để có tác dụng răn đe, giáo dục. Ngoài ra, việc đấu tranh, phòng ngừa, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý tội phạm là trách nhiệm không phải của riêng cơ quan tố tụng mà là của toàn xã hội mà trực tiếp là của chính quyền địa phương.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng
(Theo báo Gia Đình & XH)
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|