Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Trao đổi với TBKTSG Online, ngày 9-10, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, cho biết, hiện nay, có không ít tổ chức, doanh nghiệp có những hành vi như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu, gây ô nhiễm môi trường… gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế - xã hội; ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân…
Tuy nhiên, đối với những hành vi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nói trên, luật hiện hành chỉ xử lý hình sự được đối với cá nhân; đối với pháp nhân, luật không có quy định về việc chịu trách nhiệm hình sự. “Bộ luật Hình sự quy định như thế, trong nhiều tình huống, là chưa đúng đối tượng và chưa hợp lý, hợp tình”, ông Kính nói.
Như tội trốn thuế chẳng hạn, theo ông Kính, doanh nghiệp trốn thuế sẽ đem lại “lợi ích” chung cho cả doanh nghiệp; và quyết định thực hiện hành vi trốn thuế của doanh nghiệp thường là của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, khi vụ trốn thuế bị phát hiện và truy tố thì chỉ mỗi người đại diện pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm hình sự (như quy định của pháp luật hiện hành) là chưa thật sự ổn.
Hay như vụ Công ty Vedan xả thải gây ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai cũng vậy, việc xác định trách nhiệm của cá nhân là không dễ; trong khi doanh nghiệp chỉ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, kinh tế, dân sự thì không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa…
Ông Nguyễn Thái Phúc, Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), cho rằng việc xử lý hình sự pháp nhân là hoàn toàn có thể. Theo ông, khi tham gia vào các quan hệ xã hội, hành động của pháp nhân không phải tự phát mà có nhận thức, có định hướng đến mục tiêu cụ thể. Thực tế cho thấy lỗi của pháp nhân thường đồng nhất với lỗi của không chỉ người đại diện pháp nhân mà cả nhân viên (những người hưởng lợi từ sai phạm của pháp nhân) của pháp nhân đó.
Theo ông Thái, việc thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật là phù hợp với nhu cầu phòng chống tội phạm và xu hướng phát triển chung của thế giới. Cùng quan điểm này, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, ban soạn thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đang nghiên cứu khả năng bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào bộ luật này.
Theo Bộ Tư pháp, sau hơn 10 năm thi hành, đến nay, Bộ luật hình sự năm 1999 đã bộc lộ nhiều bất cập như: (i) Một số quy định của Bộ luật Hình sự không rõ ràng, một số nhóm tội phạm quy định chưa có văn bản hướng dẫn thi hành hoặc chỉ có hướng dẫn về một vài tội riêng lẻ (nhóm các tội về môi trường, nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, nhóm các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp...). (ii) Những hành vi nguy hiểm cho xã hội đã và đang xảy ra cần phải xử lý nhưng chưa được Bộ luật Hình sự quy định (hành vi mua bán nội tạng người, giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, thành lập hoặc tham gia các băng nhóm tội phạm theo kiểu "xã hội đen"...). (iii) Những vướng mắc, bất cập xuất phát từ nhu cầu hội nhập quốc tế chưa được quy định tại Bộ luật Hình sự, như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân; một số hành vi nguy hiểm chưa được hình sự hóa hoặc chưa được hình sự hóa một cách đầy đủ (hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, tài sản, hành vi mua bán trái phép các bộ phận cơ thể người...). |
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|