Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Nghị quyết (số 05) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (về khung phí tập sự hành nghề luật sư, khung phí gia nhập Đoàn luật sư, mức phí thành viên) có hiệu lực từ 1-1-2016, quy định: khi đăng ký thực tập hành nghề luật sư, người thực tập hành nghề luật sư phải nộp một khoản phí cho Đoàn luật sư “cao nhất không quá 5 triệu đồng”; để gia nhập vào Đoàn luật sư thì phải đóng phí gia nhập “cao nhất không quá 5 triệu đồng”; khi đã là luật sư thì phí thành viên phải nộp là 200 ngàn đồng mỗi tháng.
Đối với phí thành viên, các đoàn luật sư phải trích nộp về Liên đoàn Luật sư theo tỉ lệ: Đoàn luật sư có từ 1.000 luật sư trở lên là 50%; Đoàn luật sư có từ 300 – 999 luật sư là 30%; Đoàn luật sư có từ 50 – 299 luật sư là 20%; Đoàn luật sư có dưới 50 luật sư là 10%.
Nghị quyết cũng quy định rõ: Ban chủ nhiệm các Đoàn luật sư có trách nhiệm thu phí thành viên từ các luật sư thuộc đoàn mình và trích nộp về Liên đoàn. Nếu luật sư nào không đóng phí thành viên 6 tháng sẽ bị nhắc nhở bằng văn bản; không đóng 12 tháng bị công khai danh tính; không đóng 18 tháng bị xóa tên khỏi Đoàn luật sư.
Nhưng, theo một luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM, để trở thành luật sư, ngoài các loại phí nói trên, người có bằng cử nhân luật còn phải chịu rất nhiều thứ phí khác nữa. Cụ thể, đó là họ phải trải qua khóa đào tạo kỹ năng nghề luật sư trong thời hạn 12 tháng với mức học phí lên đến trên 18.000.000 đồng (chưa kể tiền sách vở, tài liệu và thậm chí tiền quỹ lớp để lớp ngoại giao với thầy cô).
Và, đâu phải có chứng chỉ khóa đào tạo nghề là được đăng ký tập sự liền mà phải chờ đến đợt mới được đăng ký, có khi chờ gần nửa năm… Họ còn phải đóng phí 5 triệu cộng với thời gian tập sự ít nhất cũng một năm (đa số làm việc không lương); rồi phải chờ đến đợt Bộ Tư pháp tổ chức thi hết thực tập… và lại đóng phí…
Theo tính toán của vị luật sư này, nếu tính từ lúc đi học khóa đào tạo cho đến khi lấy được bằng luật sư thì mất trên dưới ba năm. Tính trung bình chi phí sinh hoạt của một người cũng phải 3 triệu đồng/tháng (thấp hơn lương tối thiểu tại TPHCM) thì người tập sự phải mất 108 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt trong thời gian học khóa đào tạo, chờ tập sự, tập sự, chờ thi tập sự, chờ cấp thẻ/chứng chỉ hành nghề.
Như vậy để trở thành một luật sư thì một cử nhân luật phải dành dụm một khoản tiền tối thiểu là 143 triệu đồng mới có khả năng trở thành một luật sư được. “Số tiền này đối với các em sinh viên mới ra trường thì hẳn sẽ là con số vượt quá khả năng của các em. Điều này đồng nghĩa với việc ước mơ trở thành luật sư của các em sinh viên bị đóng lại chỉ vì rào cản tài chính”, vị luật sư này nói.
Nguồn: thesaigontimes.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|