Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Chiêu lách luật tinh vi
Bán hàng đa cấp về bản chất là một hình thức kinh doanh tiên tiến được nhiều nước trên thế giới cho phép. Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm quản lí hình thức kinh doanh này. Hiện Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định về quản lí hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư 24 hướng dẫn về nội dung này, về luật điều chỉnh có Luật Cạnh tranh.
Điều 5, Nghị định 42 đã nêu rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh đa cấp: Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định hoặc mua một lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình; Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Hạn chế một cách bất hợp lí quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, qua các vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp vừa qua, đặc biệt là vụ việc lừa đảo tại công ty đa cấp Liên kết Việt, chúng ta có thể nhận dạng được thủ đoạn lách luật tinh vi của những công ty bất chính này.
Các công ty này không yêu cầu đóng tiền để tham gia vào mạng lưới đa cấp, thay vào đó họ sử dụng hệ thống điểm. Theo đó, người tham gia phải mua hàng để có điểm tích lũy. Về góc độ pháp lí, họ không vi phạm Luật Cạnh tranh, không vi phạm Điều 5 của Nghị định 42. Song vấn đề là ở chỗ giá sản phẩm họ bán ra rất cao so với giá thực và không có giá trị thực, thậm chí như vụ Liên kết Việt có tới 16 cấp, cấp nào cũng chi hoa hồng cao, nên giá hàng đội lên đến tận "trời". Thế mới có chuyện một người dân ở xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei (tỉnh KonTum) đã mua liền một lúc hai chiếc nồi áp suất giá 11,7 triệu đồng; nhiều người dân khác mua lọ thực phẩm chức năng với giá vài triệu đồng về uống mà chẳng thấy tác dụng gì(?!).
Thủ đoạn phổ biến thứ hai là dùng hình thức “đầu tư” tài chính. Người tham gia đầu tư một khoản tiền nào đó sẽ được hưởng lãi suất mà công ty đa cấp đó đưa ra với mức lãi suất rất cao, giới thiệu được người khác tham gia vào hệ thống cũng sẽ được hưởng phần trăm tương ứng với số tiền người mới tham gia mạng lưới góp vào. Thực tế số tiền chi trả này không phải do thực hiện kinh doanh mà có, mà họ đã lấy từ tiền của người tham gia sau trả người tham gia trước. Với chiêu trò “đầu tư tài chính này”, chỉ trong thời gian ngắn, công ty Liên kết Việt đã huy động được cả chục nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty đa cấp bất chính còn sử dụng chiêu một người có thể sở hữu nhiều vị trí kinh doanh đa cấp mà chẳng cơ quan chức năng nào phát hiện. Điều này cũng có nghĩa sản phẩm không ra khỏi hệ thống, một người gom nhiều hàng để trông chờ hoa hồng thu lợi cao, tạo nên con số ảo.
Cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý?
Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Giám đốc Công ty Luật Intercode (Hà Nội), với những thủ đoạn lách luật tinh vi nói trên, các công ty kinh doanh đa cấp bất chính đã đánh trúng tâm lí tham lam, hám lãi suất cao và tham vọng tích điểm cao để hưởng mức tiền tương ứng của khách hàng. Tiếc rằng, Nghị định 42 và Luật Cạnh tranh đã không trực tiếp điều chỉnh những hành vi trên. Luật Doanh nghiệp cũng không điều chỉnh, vì đây là hoạt động giữa một tổ chức với cá nhân chứ không phải giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Bộ Luật hình sự 2015 cũng chưa "chạm" vào những hành vi biến tướng của kinh doanh đa cấp.
“Luật Hình sự hiện hành có tội lừa đảo chiếm dụng tài sản và tội lợi dụng uy tín chiếm đoạt tài sản (Điều 139 và Điều 140), chưa có tội danh điều chỉnh trực tiếp hành vi biến tướng của bán hàng đa cấp. Đây là khoảng trống về luật pháp, khiến các công ty kinh doanh đa cấp vì lợi ích bất chính đã lộng hành nhiều năm qua”, -Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho biết.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, để nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước với bán hàng đa cấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người tiêu dùng, cơ quan chức năng phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định về hành vi bán hàng đa cấp bất chính, theo hướng cụ thể, chi tiết để phân loại đâu là quan hệ kinh doanh thương mại, đâu là quan hệ dân sự, đâu là quan hệ hình sự để cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp dụng trong quản lí, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến bán hàng đa cấp. Việc xác định tính không lành mạnh của bán hàng đa cấp bất chính phải được thực hiện dựa trên việc phân tích các biểu hiện của hành vi.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải ban hành quy chế minh bạch (trong đó có minh bạch thông tin) về sản phẩm được tiêu thụ theo phương thức bán hàng đa cấp và xác định trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể liên quan trong việc xây dựng, truyền bá thông tin về sản phẩm… Đồng thời, minh bạch mọi thông tin hoạt động của công ty kinh doanh đa cấp, đặc biệt là những thông tin liên quan đến hành vi không đúng pháp luật để người dân kịp thời có cái nhìn đầy đủ về hành vi kinh doanh của đơn vị mà họ có ý định tham gia./.
Nguồn: Dangcongsan.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|