Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Nếu ví các cuộc mua bán, sáp nhập như “hôn nhân” thì theo đại diện của Đất Việt, đơn vị bán 30% cổ phần cho GroupM, chỉ sau 2 năm là mọi sự sẽ rõ.
Từ năm 2008 đến nay đã có ít nhất 5 cuộc “hôn nhân” giữa công ty truyền thông Việt Nam và tập đoàn truyền thông nước ngoài thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) hoặc liên doanh. Đáng nói là 5 công ty Việt Nam trong các vụ này đều nổi tiếng ở lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, còn phía “chú rể” là WPP (trụ sở tại Ireland) và Omnicom Group (trụ sở tại Mỹ) là tên tuổi hàng đầu thế giới về truyền thông. Giới truyền thông dự báo, danh sách những cuộc “hôn nhân“ đình đám tương tự sẽ còn tiếp tục.
“Lợi chàng lợi thiếp”
Một năm sau thương vụ hợp tác với Công ty Quảng cáo Chăm sóc Thương hiệu (BCI Brandcare) lập nên Công ty TBWA Việt Nam (2008), TBWA Group (thuộc Omnicom Group) tiếp tục liên doanh với Công ty Giải pháp Doanh nghiệp (Biz Solutions) tạo thành Biz Tequila. Cùng lúc này, người anh em của TBWA là Omnicom Media Group lập một liên doanh khác với Công ty Quảng cáo và Truyền thông (XPR Campaigns), dưới tên gọi Campaigns Solutions.
Sự bành trướng của Omnicom Group tại Việt Nam diễn ra đồng thời với WPP. Đầu tiên là vào giữa năm 2008, GroupM thuộc WPP đã mua 30% cổ phần của Tập đoàn Đất Việt VAC. Đầu năm 2009, WPP trở thành cổ đông của Smart Media, một công ty truyền thông, quảng cáo được sáng lập bởi các doanh nghiệp nhà nước lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty Thông tin Di động Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và công ty quảng cáo Goldsun.
Bằng cách M&A hoặc liên doanh, các tập đoàn truyền thông quốc tế đã chọn con đường ngắn nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam. Điều này giúp họ tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đối với 2 đại gia truyền thông thế giới, WPP và Omnicom Group, M&A là bước đi chiến lược đã được họ sử dụng từ lâu nhằm gia tăng sức ảnh hưởng tại các thị trường châu Á như Trung Quốc, Thái Lan... Năm ngoái, các công ty được mua bán, sáp nhập hoặc có liên doanh đã mang về cho WPP 1,306 tỉ USD và Omnicom Group 126 triệu USD (theo Advertising Age, tạp chí chuyên ngành quảng cáo của Mỹ).
Trong những thương vụ này, các công ty trong nước cũng có lợi. Chị Phan Bích Hà, Giám đốc Điều hành Biz Tequila, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chuyên thực hiện marketing qua các kênh truyền thống như truyền hình, báo, đài... Từ khi hợp tác với TBWA, Công ty có thể cung cấp giải pháp toàn diện từ các kênh truyền thống đến hiện đại như PR, tài trợ, tổ chức sự kiện, khuyến mãi... Đặc biệt, khi hợp tác, Công ty còn nhận được sự hỗ trợ về nhân sự, kinh nghiệm, công nghệ thông tin... từ hệ thống của các tập đoàn truyền thông quốc tế dày dạn kinh nghiệm”.
Chị cho biết thêm: “Sự phát triển của một công ty như biểu đồ hình Sin. Nếu muốn khách hàng ở lại với mình, cần liên tục mang đến cho họ những cái mới”.
Và những lo ngại
Theo dự báo của GroupM thuộc WPP, thị trường quảng cáo Việt Nam năm 2009 sẽ tăng trưởng 16,6% so với năm 2008 và đạt doanh thu 681 triệu USD.
Theo công ty kiểm toán và tư vấn PricewaterhouseCoopers, giá trị của thị trường giải trí lẫn truyền thông Việt Nam đều tăng xấp xỉ 3 lần trong 5 năm từ 2004 -2009 và được kỳ vọng đạt 2,3 tỉ USD trong năm 2013. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của 2 ngành này tại Việt Nam được dự đoán sẽ cao nhất thế giới với 16,7%/năm.
Và trong cuộc chơi “hợp tác cùng phát triển” mà phía doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, một số ý kiến quan ngại rằng, có thể các doanh nghiệp Việt sẽ bị “nuốt chửng” bởi các tập đoàn truyền thông quốc tế trên con đường bành trướng của họ.
Dĩ nhiên là Chính phủ sẽ không để các tập đoàn quốc tế có thể giành thế độc quyền trên thị trường, ít nhất là trong vài chục năm nữa, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc T&A Ogilvy, nhận định. Tuy nhiên, ông cũng quan ngại “chiến lược mua lại rồi thôn tính luôn công ty gây tác động lên thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra”. Nếu diễn biến theo hướng này, tức các tập đoàn truyền thông quốc tế mua lại nhiều công ty thì các công ty thực thi luật pháp Việt Nam cũng khó mà can thiệp. Vì đây không phải những vụ “mua đứt bán đoạn”, có thể dễ dàng xác định thị phần của họ.Việc WPP vươn cánh tay tới 2 công ty truyền thông lớn của Việt Nam là Smart Media và Đất Việt còn cho thấy họ chưa dừng tham vọng bành trướng. Đối với những công ty trong nước giữ phần vốn góp ít hơn, nguy cơ bị thôn tính càng dễ hơn. Ông Đào Văn Kính, Phó Chủ tịch Đất Việt VAC, cho biết: “Các công ty Việt Nam không nên để các tập đoàn chiếm đa số cổ phần. Trong hôn nhân, dù yêu thương lắm thì cũng có thể ly dị. Hơn nữa, kinh doanh mà không hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhau, không cùng phát triển cân bằng, đến một lúc nào đó khi xảy ra xích mích, bên này rất dễ bị bên kia thôn tính”.
Trong khi đó, chị Hana Đặng, Giám đốc Điều hành Golden Communication Group, cho hay: “Nếu không bán mà tự điều hành công ty cũng được nhưng sẽ khó, nhất là trong mảng PR truyền thống, ngày càng nhiều công ty nước ngoài tham gia”.
Một nguồn tin cho biết Golden sẽ “hợp tác” với một công ty truyền thông nước ngoài vào đầu năm sau. Còn anh Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masso Group, tiết lộ, Công ty đã tiếp xúc với vài đối tác đặt vấn đề hợp tác chiến lược.
Liệu các công ty Việt Nam có đủ khôn ngoan trong cuộc chơi này? “Giá trị hợp đồng bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là mục tiêu chiến lược 2 bên có gặp nhau không. Hai năm sau “hôn nhân”, mọi sự sẽ rõ”, ông Kính, Đất Việt VAC, nhận định.Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|