Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
167 triệu USD: Mục tiêu doanh thu năm đầu tiên sau sáp nhập của Tập đoàn Kinh Đô, mục tiêu của 5 năm tiếp theo là 400 triệu USD.
Sau hàng loạt các vụ mua bán, sáp nhập, thành lập công ty thành viên mới trong gần một thập kỷ qua, Tập đoàn Kinh Đô được giới kinh doanh biết đến như là một người thích bành trướng. Tuy nhiên, trong đại hội cổ đông diễn ra hồi đầu tháng 5, Kinh Đô lại tuyên bố sáp nhập các thành viên về một mối. Động thái này dễ khiến liên tưởng đến hình ảnh những đứa con hoặc là đang có vấn đề hoặc đang thua lỗ nên cần đến sự trợ giúp của mẹ. Nhưng các báo cáo tài chính do Công ty Cổ phần Thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc (Kinh Đô Miền Bắc) và Công ty Cổ phần Ki Do (Ki Do), 2 đơn vị sẽ sáp nhập vào Công ty Cổ phần Kinh Đô (Công ty Kinh Đô), đã cho thấy điều ngược lại.
Lợi ích từ sáp nhập
Trong khi lợi nhuận trước thuế của Kinh Đô Miền Bắc năm 2009 vượt gần 70% so với kế hoạch đầu năm, Ki Do cũng vượt hơn 2% thì Công ty Kinh Đô lại vượt đến 123%. Và đó là lý do ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Kinh Đô, nhận định: “Việc sáp nhập cả 3 thành viên sẽ giúp chúng tôi tăng trưởng cao hơn”. Còn ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ đến việc sáp nhập từ vài năm nay nhưng đã gặp phải một số vấn đề pháp lý cần giải quyết thấu đáo trước khi chính thức tiến hành”.
Một đại diện của thành viên được sáp nhập, ông Trần Quốc Việt, Tổng Giám đốc Kinh Đô Miền Bắc, cho biết, sau khi sáp nhập, Kinh Đô Miền Bắc sẽ được thừa hưởng những lợi ích trong 8 hoạt động chính.
Trong hoạt động sản xuất, việc sáp nhập có thể giúp Tập đoàn tránh lãng phí sử dụng tối đa công suất thiết bị do được phân bố và điều phối chặt chẽ. Trong hoạt động mua hàng, sau sáp nhập, quy mô Tập đoàn sẽ lớn hơn, từ đó sẽ có lợi hơn trong thương lượng giá cả, chất lượng nguyên vật liệu, thời gian giao hàng, điều kiện thanh toán. Trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, việc chuyển giao công nghệ giữa các công ty thành viên dễ dàng hơn để nhanh chóng cho ra đời sản phẩm mới đồng bộ. Trong hoạt động bán hàng, tiếp thị, có thể giảm thiểu chi phí marketing do tập trung vào một thương hiệu. Trong hoạt động điều hành, nhà lãnh đạo có thể thống nhất chính sách và chiến lược, quy trình kiểm toán được chặt chẽ hơn. Trong hoạt động tài chính, việc tập đoàn lớn hơn đồng nghĩa với năng lực tài chính gia tăng, tạo lợi thế thương hiệu trong việc huy động và sử dụng vốn. Trong hoạt động nhân lực, sáp nhập sẽ giảm thiểu được rủi ro khi có biến động nhân sự đột ngột và thu hút thêm nhân tài. Và cuối cùng là hệ thống thông tin, có thể giảm thiểu đáng kể chi phí đầu tư phần mềm, chi phí triển khai ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) cho các công ty thành viên.
Mục tiêu của thời kỳ hậu sáp nhập còn được Kinh Đô thể hiện bằng những con số tăng trưởng cao (xem lược đồ Dự kiến lợi nhuận trước và sau khi sáp nhập) và cam kết của các lãnh đạo. Thật khó mà đánh giá trước được liệu Kinh Đô thể đạt kế hoạch của mình đến đâu, chỉ biết rằng, trong bất kỳ một chuyển đổi nào về mô hình tăng trưởng, câu chuyện về cổ đông là vẫn đáng lưu tâm hơn cả.
Câu chuyện cổ đông
Mặc dù Chủ tịch Tập đoàn Kinh Đô cam kết, sau sáp nhập, lợi ích của tất cả các cổ đông sẽ tăng lên do lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) sẽ tăng (dự kiến tăng trưởng bình quân EPS sau 3 năm hậu sáp nhập là 9%), một số cổ đông của Kinh Đô Miền Bắc và Ki Do vẫn tỏ ra ngần ngại về quyền lợi trước mắt, khi cổ phiếu của họ được hoán đổi về Công ty Kinh Đô.
Trong cuộc sáp nhập này, Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Kinh Đô đã đề xuất thực hiện phương thức hoán đổi cổ phiếu. Theo đó, Công ty Kinh Đô sẽ phát hành thêm cổ phiếu nhằm hoán đổi cổ phần của Ki Do và Kinh Đô Miền Bắc theo tỉ lệ 1,1:1 (1,1 cổ phiếu Kinh Đô Miền Bắc hoặc Ki Do đổi 1 cổ phiếu Công ty Kinh Đô). Xin nói thêm, cổ phiếu Kinh Đô Miền Bắc đang niêm yết trên thị trường chứng khoán TP.HCM, trong khi cổ phiếu Ki Do vẫn được giao dịch trên thị trường tự do (OTC).
Với tỉ lệ hoán đổi này, một cổ đông tham gia đại hội thắc mắc, tại sao lại không hoán đổi theo tỉ lệ 1:1. Trong khi đó, một cổ đông khác thuộc Ki Do lo ngại liệu rằng cổ phiếu của họ có tăng thêm thanh khoản sau khi sáp nhập vào Công ty Kinh Đô.
“Tôi cho rằng, với cổ phiếu đang ở OTC như Ki Do mà bây giờ được tham gia vào thị trường niêm yết thì rõ ràng, các cổ đông sẽ được lợi lớn”, ông Việt, đại diện Kinh Đô Miền Bắc cho biết. Còn ông Trần Quốc Nguyên, Tổng Giám đốc Ki Do , đã trả lời chất vấn của một cổ đông lớn rằng: “Chúng tôi đã cân nhắc một tỉ lệ hoán đổi hợp lý nhất để có thể đảm bảo cổ đông không bị thua thiệt”. Và ông này nhấn mạnh: “Các cổ đông nên nghĩ đến những lợi ích dài hạn”.
Về phía lãnh đạo cấp cao, cả ông Trần Kim Thành lẫn Trần Lệ Nguyên đều cho biết, trước khi công bố chính thức, hai ông đã phân tích kỹ 3 phương án sáp nhập cơ bản gồm mua tài sản (thường dùng cho các công ty yếu kém cần sáp nhập), mua cổ phiếu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu và quyết định chọn phương án thứ 3 do tính chất dễ thực hiện, chỉ cần được hỗ trợ mạnh về tài chính.
Mô hình quản trị mới
Dù vậy, chiến lược sáp nhập của Kinh Đô có thể cho thấy một dung mạo mới của mô hình quản trị, được đúc kết từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế. “Khi quy mô càng lớn, những cuộc sáp nhập càng cần thiết để gia tăng sức mạnh, giảm chi phí và rủi ro của hệ thống quản trị, đặc biệt là sự thiếu đồng nhất”, ông Thành cho biết.
Nhưng nếu so sánh mô hình tổ chức trước sáp nhập của Kinh Đô và sau khi sáp nhập (xem lược đồ Mô hình tổ chức dự kiến), sẽ dễ nhận ra, mô hình mới là cách sắp xếp lại của hệ thống quản lý nhằm đưa tập đoàn này tiếp tục thực hiện chiến lược bành trướng. Ban Quản trị Kinh Đô cho biết đang có kế hoạch sáp nhập Vinabico vào Công ty Kinh Đô trong năm 2011. “Chúng tôi sẽ còn chào đón những những công ty khác trong ngành thực phẩm gia nhập vào Tập đoàn nhằm gia tăng quy mô phát triển”, ông Thành tuyên bố.
Việc sáp nhập còn một mục đích khác, đó là đưa Tập đoàn lên một thị trường chứng khoán nước ngoài. Ông Thành không ngại nói rằng: “Việc sáp nhập sẽ giúp gia tăng thanh khoản cổ phiếu, tạo tiền đề để Kinh Đô niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Do đó, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu năm đầu tiên sau sáp nhập đạt 167 triệu USD và sẽ đạt 400 triệu USD vào 5 năm sau đó”.Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|