Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
(Thanh tra) - Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014. Để Luật đi vào cuộc sống, theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cần định lượng được mức độ tiết kiệm cũng như mức độ lãng phí để khen thưởng cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng.
Luật sư có thể cho biết đối tượng điều chỉnh của Luật THTK, CLP. Theo ông, liệu có khó khăn nào trong việc thực thi khi chỉ còn khoảng 4 tháng nữa luật sẽ chính thức có hiệu lực?
Đối tượng điều chỉnh của Luật này bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; tổ chức, hộ gia đình và những cá nhân khác.
Luật đã không định lượng được mức độ tiết kiệm để được khen thưởng các tổ chức, cá nhân đồng thời không định lượng được mức độ lãng phí để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả ba trường hợp đã nêu ở trên. Bộ luật Hình sự hiện hành không có điều luật nào quy định truy cứu trách nhiệm đối với loại tội phạm này. Điều này tạo ra nhiều khó khăn trong việc giải thích pháp luật, áp dụng pháp luật và thực thi pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo ông, cần thiết phải ban hành một văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn để giải thích, áp dụng và thực thi luật?
Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTPTANDTC ngày 15/3/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 của Bộ luật Hình sự đã có hướng dẫn về định lượng khi áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 278 Bộ luật Hình sự quy định về “tội tham ô tài sản”. Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về việc áp dụng các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” đối với các hành vi phạm tội được quy định từ Điều 133 đến Điều 140, Điều 142 và Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Để xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Luật THTK, CLP ở mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần phải có văn bản hướng dẫn tương tự các quy phạm nêu trên để xác định mức độ lãng phí dựa trên chuẩn mực, quy chuẩn, định mức đã ban hành.
Điều 27 Luật THTK, CLP 2013 quy định về hành vi gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự án, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí, ngân sách Nhà nước. Điều 32 quy định về hành vi gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin liên lạc. Điều 45 quy định về hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công cộng và công trình phúc lợi công cộng. Điều 53 quy định về hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên. Điều 58 quy định về hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước.
Lãng phí được hiểu là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt được mục tiêu đã định. (Khoản 2 Điều 3 Luật THTK, CLP 2013).
Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm các Điều 27, 32, 45, 53 và 58 Luật THTK, CLP 2013 chưa được dẫn chiếu tới quy định về tội phạm nào trong Bộ luật Hình sự, cũng như chưa được đề cập đến trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực nào cả.
Từ những phân tích trên, dưới góc nhìn của một luật sư, ông có kiến nghị, đề xuất gì với các cấp có thẩm quyền để luật thực sự đi vào cuộc sống?
Theo ý kiến cá nhân tôi thì cần kiến nghị một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, rất cần có một văn bản quy phạm ở tầm nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để hướng dẫn các Điều 27, 32, 45, 53, 58, 75, 77 và 78 của Luật THTK, CLP 2013.
Thứ hai, cần quy định trong nghị quyết những trường nào thì được khen thưởng; trường hợp nào thì bị xử lý kỷ luật; xử lý hành chính; bồi thường thiệt hại; trường hợp nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, nhằm tháo gỡ khó khăn dự liệu có thể xảy ra khi luật có hiệu lực, cần có nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, thậm chí là nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn theo hướng mở rộng những hành vi bị coi là vi phạm nghiêm trọng Luật THTK, CLP 2013 được ẩn trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm về chức vụ, cụ thể: “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng đến tài sản Nhà nước” quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự; “tội tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự; “tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự và “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Thứ tư, nghiên cứu theo hướng bổ sung “tội vi phạm các quy định về THTK, CLP” vào Bộ luật Hình sự làm cơ sở pháp lý để truy cứu hình sự đối với các cá nhân vi phạm Luật THTK, CLP tới mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Thứ năm, để thực hiện 4 yêu cầu trên, cần xây dựng những chuẩn mực, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ để làm chuẩn căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đã tiết kiệm được định lượng bao nhiêu, gây lãng phí bao nhiêu làm căn cứ khen thưởng, xử lý một cách phù hợp. Để xây dựng được chuẩn mực này, rất cần thiết sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính để thống nhất ban hành thông tư hướng dẫn liên cụ thể hóa các quy định của luật và nghị quyết.
Hữu Oanh thực hiện.
Xem bài trên Báo Thanh tra tại đây:http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/5-kien-nghi-de-luat-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-di-vao-cuoc-song_t114c1159n69828
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|