Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Theo các chuyên gia, việc quy định doanh nghiệp nước ngoài phải có pháp nhân tại Việt Nam khó thực thi do có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được điều kiện, việc bị chặn dịch vụ có thể cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính doanh nghiệp, người dùng tại Việt Nam.
Ngày 10/6, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư “Quy định chi tiết về hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới” hiện đang được Bộ TT&TT xây dựng, hướng dẫn thực thi Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử đụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Tại tọa đàm, ông Alex Long, đại diện của Google và Liên minh Internet Châu Á cho rằng dự thảo Thông tư đang gây quan ngại khi quy định doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp thông tin phải có pháp nhân tại Việt Nam.
Ông Alex Long phân tích, môi trường Internet sôi động với hàng tỷ website, việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải có pháp nhân tại Việt Nam khó thực thi do có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được điều kiện. Thậm chí nhiều doanh nghiệp nhỏ nước ngoài đang cung cấp dịch vụ họ không quan tâm đến vấn đề này. Và nếu không tuân thủ theo Thông tư, thông tin và dịch vụ của họ sẽ bị chặn, gây ảnh hưởng đến cả lợi ích của người dùng tại Việt Nam.
CEO Vinalink Tuấn Hà cho rằng, đối tượng chịu ảnh hưởng của Thông tư rất rộng, bao gồm doanh nghiệp nước ngoài, đối tác của doanh nghiệp nước ngoài và người dùng tại Việt Nam, việc “quản” doanh nghiệp nước ngoài cũng cần cân nhắc đến lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong đó.
Theo ông Tuấn Hà, số lượng mạng xã hội có trên 5000 thành viên Việt Nam hiện có trên 1000 đơn vị (với 28 loại hình mạng xã hội khác nhau). Các trang sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, các ứng dụng truy cập hàng triệu rất nhiều, ứng dụng có lượng thành viên đăng ký trên 5000 cũng lên đến con số hàng chục ngàn.
Các chuyên gia tại tọa đàm. Ảnh: Nguyên Đức.
Tuy nhiên, trong số các mạng xã hội đang cung cấp dịch vụ thì chỉ khoảng 10 đơn vị mạng xã hội nước ngoài là quan tâm đến thị trường Việt Nam như Google G+, Facebook, Yahoo, Linkedin, Twitter, Alibaba… Còn lại, có đến 99% là không quan tâm đến quy định có đại diện tại Việt Nam của Thông tư do quy mô hoạt động còn rất nhỏ (ví dụ, một ứng dụng về bảo mật của nước ngoài dành cho smartphone cung cấp trên kho ứng dụng cũng có đến hàng chục ngàn thành viên tại Việt Nam).
Ông Tuấn Hà đưa ra ví dụ, hiện có rất nhiều mạng xã hội như TripAdvisor, Agoda, Vitual, Alibaba… là đối tác của rất nhiều doanh nghiệp du lịch, thương mại… tại Việt Nam. Ví dụ, các khách sạn tại Cát Bà (Hải Phòng) có nguồn khách du lịch quốc tế rất lớn từ trang web đặt phòng như Agoda; rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam qua Alibaba để tìm kiếm đối tác xuất khẩu hàng hóa... Nếu tiến hành cưỡng chế các trang phải tuân theo quy định Thông tư, dùng biện pháp kỹ thuật chặn bỏ do không có đại diện pháp nhân tại Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới công việc kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.
Một số chuyên gia cũng khuyến cáo, ban soạn thảo Thông tư cần tìm hiểu kỹ đối tượng doanh nghiệp nước ngoài để đưa ra hướng kiểm soát thông tin hiệu quả nhất, đồng thời đảm bảo hài hòa quyền lợi, sự công bằng, tránh các yếu tố không hợp lý sẽ dễ dẫn đến hậu quả tiêu cực.
Tại tọa đàm, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT - cơ quan được Bộ TT&TT giao trách nhiệm chủ trì xây dựng Thông tư nhấn mạnh: Thông tư được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, theo trình tự thủ tục ban hành quy phạm pháp luật, đảm bảo cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, lợi ích quốc gia. Cục PTTH&TTĐT mong muốn tiếp tục nhận được các góp ý về dự thảo Thông tư của doanh nghiệp, Hiệp hội...
Tại tọa đàm, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đoàn luật sư Hà Nội và một số chuyên gia đề nghị Thông tư cần làm rõ quy định về đại diện pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng đại diện pháp lý tại Việt Nam là khái niệm khá rộng, gồm đại diện theo pháp luật, văn phòng đại diện, đại diện theo ủy quyền, có thể là tổ chức, cá nhân, nhóm người. Do đó, Thông tư phải quy định rõ ràng về điều này, đồng thời cũng cần quy định rõ về các hành vi nào bị nghiêm cấm, xử phạt hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động…
Nguyên Đức
Xem bài trên Báo ICTnews tại đây: http://ictnews.vn/internet/neu-siet-doanh-nghiep-internet-ngoai-doanh-nghiep-viet-de-lao-dao-126847.ict
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|