- Ông Nguyễn Phú Thắng: Có thể nói đây là những thay đổi của một quy phạm pháp luật lớn nhằm đảm bảo quản lý nhà nước phù hợp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Dự thảo đã phân quyền, trách nhiệm rõ ràng, kết hợp áp dụng các thành tựu công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý thuế của nhà nước, giúp cơ quan nhà nước phát huy hiệu quả quyền và trách nhiệm của mình. Quy định mới tại dự thảo Luật là cơ chế tốt tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. Cụ thể tại Điều 15 của Dự thảo quy định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp trong việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế theo cơ chế “một cửa liên thông”; phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp; thực hiện các quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư.
Bộ Công thương có trách nhiệm kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Phú Thắng |
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử…
Ngoài ra dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông… trong phối hợp quản lý nhà nước lĩnh vực thuế. Như vậy, có thể thấy các nhà làm luật đã xác định trách nhiệm quản lý thuế là của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng Bộ Tài chính.
PV: Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 21/2, có ý kiến cho rằng, ngoài quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc quản lý thuế ở lĩnh vực biểu diễn. Ông thấy ý kiến này như thế nào?
- Ông Nguyễn Phú Thắng: Tôi tán thành đề xuất này. Hiện nay do nhu cầu giải trí, thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật ngày một tăng cao, có khá nhiều nghệ sĩ tên tuổi lĩnh mức thù lao rất cao nhưng lại kê khai thấp, hoặc không kê khai để trốn thuế. Ngoài ra, có hiện tượng không ít nghệ sĩ thành lập công ty để hợp thức hóa những mức chi phí “khủng”, trốn hoặc giảm số thuế thu nhập cá nhân bằng thu nhập doanh nghiệp đang diễn ra khá phổ biến. Đây chính là điểm gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, việc bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc phối hợp quản lý thuế ở lĩnh vực biểu diễn là cần thiết.
PV: Một trong những nội dung gây tranh cãi trong dự thảo luật là trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Nhà nước về kết luận của Thanh tra Nhà nước, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo, đó là cơ quan nào ra quyết định, thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông thấy ý kiến này như thế nào?
- Ông Nguyễn Phú Thắng: Quyết định ban hành bởi cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm chính, điều này là hiển nhiên và không cần tranh luận. Quy định như vậy để các cơ quan quản lý nhà nước cần thận trọng, chính xác và đúng luật khi ban hành kết luận. Tại phiên họp thứ 31 của UBTVQH, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã tiếp thu ý kiến đóng góp để sửa đổi, chỉnh lý. Quy định về trách nhiệm của hai cơ quan quản lý được kế thừa và giữ nguyên, cụ thể: “Cơ quan Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm đối với các kiến nghị của mình liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị kiểm toán cho người nộp thuế để thực hiện”, “Cơ quan Thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm đối với kết luận của mình liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và có trách nhiệm gửi văn bản có kết luận cho người nộp thuế để thực hiện”.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quy định thẩm quyền xóa nợ thuế như dự thảo là hợp lý Liên quan đến thẩm quyền xóa nợ thuế, LS Nguyễn Phú Thắng cho rằng, dự thảo Luật lần này quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ của Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, thẩm quyền xóa nợ từ 10 tỷ đồng trở lên (đối với doanh nghiệp nợ thuế quá 10 năm, nhưng không có khả năng thu hồi có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên) đã được trao từ Thủ tướng sang Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tương tự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền xóa nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Đồng thời bổ sung quy định phân cấp cho chủ tịch UBDN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định này là hợp lý, góp phần xử lý kịp thời, hiệu quả hơn các khoản nợ thuế còn tồn đọng, chưa có cơ chế xử lý. Đồng thời, quy định cũng làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của các cấp trong công tác quản lý thuế, giúp giảm áp lực không thực sự cần thiết trong quản lý cho cơ quan thuế, giảm tình trạng nợ ảo do các khoản nợ không thể thu hồi bị tính tiền phạt chậm nộp. |