Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Tiếp xúc, làm việc với chúng tôi cảm nhận được bức xúc của ông Nguyễn Duy Hoan và các thành viên hộ gia đình khi nhận được Thông báo định giá của Công an huyện Nam Sách. Ông Hoan cho biết: “Nếu tính thời điểm hiện tại, số tiền 198.000 đồng được định giá cho gần 40m tường rào chưa đủ trả tiền nhân công 01 ngày cho 01 người công nhân xây dựng, chưa kể đến giá tiền vật liệu để xây dựng”. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá nhân công tính theo ngày ở khu vực hiện dao động khoảng 200.000 – 250.000đ/ngày. Chẳng hiểu mấy ông Hội đồng định giá và người ký Thông báo suy nghĩ thế nào khi số tiền định giá trên chưa bằng số tiền phạt hành vi “cưỡng hôn” của một người đàn ông trong thang máy đối với một thiếu nữ ở Hà Nội – Ông Hoan bày tỏ.
Một hành vi “cưỡng hôn” trong thang máy tại Hà Nội bị xử phạt 200.000 đồng
Định giá tài sản đã bị cố ý làm trái?
Đánh giá sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, kết quả định giá tài sản tại Thông báo số 180/TB ký ngày 19/02/2019 của Công an huyện Nam Sách đã vi phạm về nguyên tắc “giá thị trường” được quy định tại Điều 4, Nghị định số 30/2018. Đó là: (i) Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá; (ii) Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời.
Bất kỳ ai cũng có thể thấy rõ tổng số tiền định giá các tài sản bị phá hoại tại Thông báo số 180/TB thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Cụ thể là: 40m bức tường được định giá chưa đến 200.000 đồng (không bằng tiền công 01 ngày của công nhân xây dựng); giá trị 01 (một) cây sanh cổ thế vũ trụ có tuổi đời hơn 20 năm, đường kính lớn hơn 50cm, hàng năm được chăm sóc, cắt tỉa chỉ được định giá 160.000 đồng trong khi trước đó đã có người đến hỏi mua cây sanh này với giá 15.000.000 đồng- nguyên văn Đơn khiếu nại của ông Hoan.
Việc viện dẫn quy định tại các văn bản trong công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng để áp dụng cho công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự là chưa đúng với nguyên tắc “giá thị trường”, “khách quan, trung thực”, nếu không muốn nói là cố ý làm trái quy định của pháp luật.
Thậm chí, số tiền định giá 40m bức tường chưa bằng 1/10 số tiền xử phạt hành vi phóng uế bừa bãi tại nơi công cộng được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Ông Hoan chua chát nói thêm.
Bức tường dài gần 40m được định giá 198.000 đồng
Mục đích cuối cùng là gì?
Như nội dung đã phản ánh tại Bài 1, hành động phá tường rào, chặt cây xanh của gia đình ông Hoan do một số cá nhân sinh sống tại khu vực thực hiện trong đó người đứng đầu là ông Nguyễn Tiến Vịnh - Trưởng khu dân cư Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, UBND thị trấn Nam Sách lại khẳng định “UBND thị trấn Nam Sách, Ông Nguyễn Tiến Vịnh không liên quan gì đến vấn đề này” và “do nhân dân tự thực hiện”.
Nếu áp dụng theo đơn giá tại Thông báo số 51/TB-CANS của Công an huyện Nam Sách do Thượng tá Lê Minh Khang ký ngày 28/12/2016 (đã nêu tại kỳ trước) thì 40m tường (mét dài) có giá trị là 62,39 m2 x 31.900đ/m2 = 1.990.241 đồng. Cộng thêm với các giá trị tài sản khác gồm: 02 cây nhãn - 650.000 đồng x 2 = 1.300.000 đồng (theo Thông báo số 180/TB); 01 cây sanh - 15.000.000 đồng (theo ông Hoan) thì tổng giá trị tài sản thiệt hại là: 18.290.000 đồng. Mức thiệt hại này thỏa mãn dấu hiệu khách thể để khởi tố vụ án “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Điều 178, Bộ Luật hình sự quy định hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tình tiết có tổ chức phải được xem xét là tình tiết tang nặng trách nhiệm hình sự khi cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.
Ông Vịnh và một số người có tên trong đơn tố cáo của ông Hoan gửi cơ quan tố tụng huyện Nam Sách khi phá tường, chặt hạ trái phép cây xanh là hành vi hủyoại tài sản rất rõ ràng, không chỉ dừng ở mức dấu hiệu vi phạm mà là vi phạm pháp luật trắng trợn, thỏa mãn điều kiện khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 143, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
Tuy nhiên, với Thông báo số 180/TB, tổng giá trị tài sản bị thiệt hại của các hộ gia đình ông Hoan chỉ có 1,65 triệu đồng, chưa đến mức khởi tố vụ án hình sự.
Phải chăng đây là mục đích cuối cùng của Thông báo số 180/TB của Công an huyện Nam Sách?
Nhìn lại vụ việc “cưỡng hôn” tại Hà Nội, dường như sự không tương xứng giữa tính chất hành vi của thủ phạm/mức độ thiệt hại về vật chất, tinh thần của nạn nhân/và hình thức xử lý của pháp luật đang khiến những cái “án” 200 ngàn đồng giống như một sự nhạo báng, hoàn toàn không có tác dụng răn đe, thậm chí gây phẫn nộ dư luận xã hội.
Dường như trong cả hai vụ việc, chúng ta đang chứng kiến “sự bất lực” của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Được biết, trong năm 2016 một người dân không chức tước đã bị Công an huyện Nam Sách bắt tạm giam, khởi tố về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Và cũng trong năm 2016, bị can này đã nhiều lần được Công an huyện Nam Sách thay đổi tội danh. Với kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp như vậy, không khó để có câu trả lời cho việc định giá tài sản theo Thông báo số 180/TB của đơn vị này.
Báo Công lý sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc./.
Nguồn: báo: conglyxaxhoi.net.vn
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|