Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Đến hôm nay, dù đã trải qua hơn một tuần mà tôi vẫn còn chưa thể quên được cái không khí chân tình, cảm động và đầy tự nhiên của núi rừng, của con người Yên Bái. Và có lẽ đây không phải là tâm trạng của riêng tôi trong số 12 anh em tham gia chuyến đi tặng quà các em học sinh nghèo vùng cao hôm đó.
Với 2/3 diện tích thuộc về núi rừng Tây Bắc và phần còn lại là thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, địa giới giáp với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ và Sơn La, Yên Bái là một tỉnh tập hợp trên 30 dân tộc anh em cư ngụ, tỉnh Yên Bái là đầu mối giao tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai, nổi tiếng với đặc sản chè Tuyết Suối Giềng, gạo nếp Tú lệ, táo mèo Nghĩa Lộ và hơn cả là đá mồ côi tự nhiên Lục Vân.
Vượt qua những nẻo đường núi đèo hơn 80 km, quanh co, khúc khuỷu, một bên tà ly, một bên vực sâu, đoàn công tác từ thiện của chúng tôi cũng đã đến được huyện lỵ Văn Chấn. Anh Minh lãnh đạo phòng giáo dục huyện tiếp chúng tôi rất nhanh với tác phong “cực công nghiệp” đến bất ngờ và cử anh Đống dẫn đường đưa chúng tôi đến một trong hai địa chỉ chính của chuyến đi, trường tiểu học Suối Giàng. Tôi nhẩm tính đoàn xe dừng tại Phòng giáo dục huyện khoảng 2 phút rưỡi.
Ngồi chung trên chuyến xe nhiều cảm xúc lẫn lộn hôm đó có tôi anh Đống và anh Nghĩa đài PTTH huyện. Bác tài Thắng, người dẫn đường chỉ lối và điều khiển “con HUAORT” còn khá mới sản xuất năm ..1972 tâm sự: “Mình ôm con xe này vào Nam ra Bắc từ năm 1989 rồi, nhìn chung xe Liên Xô là ngon chỉ mỗi tội anh em vùng xuôi lên thì ngồi xe như cưỡi ngựa”.
Qua 12 cây số đường rừng núi, đoàn xe đã đến được trường tiểu học Suối Giàng. Khoảng hơn trăm em học sinh chủ yếu người H’Mong đang chơi đùa ngoài sân lấm lét nhìn chúng tôi. Có lẽ lần đầu tiên chúng nhìn thấy nhiều xe ô tô vào trường đến thế. Thầy hiệu trưởng trẻ tên Sơn đón tiếp chúng tôi trong phòng họp Hội đồng trường tuy giản dị nhưng trang trí khá đẹp mắt.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng phát biểu tại Trường tiểu học Suối Giàng
Trả lời câu hỏi của phóng viên trẻ tên Nghĩa: “Xuất phát từ điều gì mà các anh đã lặn lội vượt gần 400 km đường rừng núi lên đây tặng quà cho các em học sinh Suối Giàng”? “Đó là tình thương, sự sẻ chia khó khăn và ước mong các em có được điều kiện học tập tốt hơn, chúng tôi mong rằng những món quà tuy không lớn nhưng kịp thời này sẽ đến được đúng địa chỉ của các em đúng như nguyện vọng của tất cả anh em trong Công ty”, tôi trả lời.
Dù khéo léo và cả cương quyết từ chối lời mời bữa cơm trưa, nhưng anh em chúng tôi vẫn không thể bước chân được khỏi sự níu kéo và chân thành của Thầy cô giáo trường Suối Giàng. Bữa cơm rất ngon với nhiều đặc sản quê hương, tuy nhiên nhiệm vụ chưa hoàn thành nên anh em chúng tôi bấm nhau ra hiệu : “Bắt tay ít ít thôi”. Gắp cho tôi miếng nộm hoa chuối, Thầy giáo Sơn chia sẻ: “Các anh có biết, ở đây có những em nhà trong bản sâu cách 8,9 cây số phải ở lại nội trú nhà trường còn nếu đi về phải mất 4 tiếng vì không có phương tiện nào có thể đi được ngoài đôi chân. Gia đình gửi gạo, còn nhà trường làm thức ăn nấu nướng cho các em và mỗi tháng một em phải nộp 17.000 đồng tiền ăn và ngủ”. Dừng một lúc, anh nhìn ra sân nơi bắt đầu dấu hiệu một cơn mưa giữa thu và thở dài: “Nhưng có đến 2/3 các cháu nửa năm nay không đóng đồng nào các anh ạ, và chúng tôi vẫn phải thuyết phục các em lên lớp đều đặn. Cái khó nó làm cái chữ có nguy cơ không đến được với một số em ở đây anh Thắng ạ”. Chúng tôi bị cắt ngang dòng suy nghĩ bởi tiếng hát thánh thót của chính tác giả bài hát: “Cô giáo vùng cao Suối Giàng” của cô giáo tên Hoa, lời hát trong trẻo giữa núi rừng Tây Bắc có lẽ đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy cô trong sự nghiệp trồng người vĩ đại này.
Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn
Bịn rịn chia tay, cho nhau số điện thoại, chúng tôi lặng lẽ lên đường vượt 25 km đường đèo gấp khuỷu tay để đến địa phận xã Suối Quyền, nơi nghèo nhất của huyện Văn Chấn, Yên Bái. Mất gần 2 giờ xe chạy, anh em chúng tôi đã có mặt tại trường Suối Quyền. Các em học sinh ở đây chủ yếu là người Dao và cũng giống như Suối Giềng, bọn trẻ đón chúng tôi bằng ánh mắt nhìn e lệ. Thầy Tân hiệu trưởng và chủ tịch UBND xã cùng các cô giáo hồ hởi ra tận xe bắt tay chào hỏi từng anh em trong đoàn. Sau đôi lời phát biểu của đại diện Công ty, đại diện trường và chính quyền xã, anh Văn Cường, anh Hà Cường, anh Huy Việt nhanh chóng trao những phần quà đã chuẩn bị sẵn và đóng gói cẩn thận cho thầy cô và các em. Bức hình kỷ niệm chụp tại sân trường với thầy cô Suối Quyền và bọn trẻ tưởng rằng đã kết thúc buổi gặp gỡ, nhưng cô giáo Nghị, cô giáo Huyền, cô giáo Tiệp đã níu chân anh Hoàng Việt và tôi làm cả đoàn phải chờ đợi hơn nửa giờ đồng hồ. Tuy làm phiền anh em như vậy nhưng anh Hoàng Việt vẫn không chịu hé răng nửa lời về nội dung của khoảnh khắc “giao lưu tranh thủ” mặc dù bị gặng hỏi suốt dọc đường về Hà Nội.
Món quà tinh thần của người Yên Bái
“Các anh về đến đâu rồi? Chúng em và các em học sinh vô cùng cảm động và biết ơn sự quan tâm của các anh, em chúc các anh mãi sức khỏe và công tác tốt.nhiều niềm vui trong cuộc sống. Cảm ơn các anh nhiều lắm” là nội dung tin nhắn của cô giáo Nghị vào máy cầm tay của tôi khi đoàn về đến Thanh Sơn, Phú Thọ.
Xin cảm ơn các anh, cảm ơn những tấm lòng. Hẹn gặp lại Yên Bái với ruộng Bậc Thang Mù Căng Chải và Hồ Thác Bà kỳ thú.
Ghi chép của Luật sư Nguyễn Phú Thắng.
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|