Hotline: +84 (0) 937 099 599 |
Đó là câu chuyện của gia đình ông Đặng Văn Huân (74 tuổi, ngụ tại Bắc Linh Đàm, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Ông Đặng Văn Huân - Ảnh: T.LỤA
Mặc dù gia đình ông đã được Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất năm 1956 và từ đó đến nay tài sản chưa bị sang tên đổi chủ, nhưng ông Đặng Văn Huân - nguyên đơn trong vụ kiện vẫn bị tòa tuyên phải giao phần đất trong giấy chứng nhận cho người khác sử dụng.
“Nguồn gốc 2 sào 6 thước đất ao đang tranh chấp ở thôn Hữu Trung, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì là của bố tôi - ông Đặng Văn Hằng - được thừa kế từ ông bà nội tôi.
Năm 1956, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất mang tên bố tôi với thửa đất ao nói trên.
Khi đó gia đình tôi làm công nhân ở TP Hà Nội nên không trực tiếp quản lý. Bố tôi cho gia đình em trai là ông Đặng Văn Hành thả bèo. Sau đó gia đình tôi về quê và yêu cầu ông Hành trả lại đất nhưng ông Hành không trả.
Được ủy quyền của bố, tôi đã khởi kiện hai con trai ông Hành là ông Đặng Văn Diễn và Đặng Văn Nha (người đang quản lý sử dụng đất) để đòi lại thửa đất nói trên.
Bản án sơ thẩm tháng 8-2014 của TAND huyện Thanh Trì đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của tôi, tạm giao toàn bộ diện tích 826,4m2 đất ao cho ông Đặng Văn Diễn và ông Đặng Văn Nha quản lý, sử dụng.
Theo tòa, toàn bộ bản đồ, sổ sách tài liệu địa chính qua các thời kỳ quản lý đất đai đối với thửa đất đang có tranh chấp gồm có hai ao nhưng không thể hiện diện tích cũng như chủ sử dụng.
Theo sổ mục kê đất và các giấy tờ địa phương quản lý thì thửa đất đang tranh chấp đứng tên ông Đặng Văn Diễn.
Mặc dù tại tòa cả tôi, bị đơn lẫn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều xác nhận thửa đất ao mà tôi đang kiện đòi là thửa đất ao mà bị đơn đang quản lý và được ông nội để lại, tuy nhiên tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định chưa có đủ cơ sở xác định thửa đất ao mà tôi kiện đòi theo “giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” là hai thửa đất bị đơn đang quản lý, sử dụng.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng UBND xã Hữu Hòa cũng không nắm được việc kê khai cấp “giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” cho bố tôi như thế nào. Từ khi được cấp sổ đỏ, gia đình tôi không trực tiếp quản lý, sử dụng đất.
Và mặc dù chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai thửa đất ao nêu trên nhưng bị đơn đã kê khai, đứng tên suốt ba lần lập bản đồ địa chính nên tòa tuyên tôi thua kiện.
Sau phiên tòa, tôi kháng cáo, Viện KSND TP Hà Nội cũng có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án để đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn. Xét xử phúc thẩm tháng 4-2015, TAND TP Hà Nội bác kháng cáo của tôi, đồng thời bác kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội, y án sơ thẩm.
Sau khi có bản án phúc thẩm, tôi đã làm đơn đề nghị cấp giám đốc thẩm xem xét lại bản án để đảm bảo quyền lợi cho gia đình.
Tôi thấy việc bố tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất nhưng không đòi được đất là rất vô lý. Trong khi giấy chứng nhận này không hề có cấp nào phủ nhận hoặc bác bỏ.
Ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án vẫn xác định tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị đơn sử dụng đất không có giấy tờ gì nhưng vẫn giao đất cho bị đơn sử dụng là vô lý và oan ức cho gia đình tôi!”.
Đề nghị xem xét lại bản án Theo các quy định của Luật đất đai và văn bản hướng dẫn thì Nhà nước không thừa nhận việc đất đã được giao cho một người, nay cũng mảnh đất đó tòa lại giao cho người khác. Gia đình ông Huân không thực hiện việc quản lý, sử dụng đất liên tục từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông nên hợp tác xã đã giao cho ông Hành quản lý, sử dụng. Điều đáng nói là tòa án lại công nhận quyết định quyền sử dụng đất ao cho gia đình ông Hành qua bản án sơ thẩm năm 2014 và bản án phúc thẩm năm 2015, vô hình trung việc tuyên xử đã đi ngược lại chủ trương của Nhà nước về những chính sách đất đai qua các thời kỳ. Về nội dung vụ án, nguyên đơn cho rằng đã làm đơn xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới thay cho giấy cũ được cấp theo mẫu của Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông trước cải cách ruộng đất. Tuy nhiên bản án thể hiện trong hồ sơ, tài liệu của UBND xã lại không lưu trữ các hồ sơ xin cấp đổi của gia đình ông Huân. Tại tòa án, ông Huân đã xuất trình hai chứng cứ quan trọng là đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1986 và 2002 có xác nhận của UBND xã. Như vậy ở đây sẽ có hai khả năng xảy ra: thứ nhất, tòa án đã bỏ ngoài hồ sơ vụ án hai tài liệu chứng cứ quan trọng; thứ hai, tòa án đã tiếp nhận hai chứng cứ quan trọng này nhưng đã không đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, hợp pháp, khách quan dẫn đến việc không sử dụng hai chứng cứ này khi giải quyết vụ án. Từ những căn cứ trên, tôi thấy vụ việc chưa được xem xét một cách khách quan, đầy đủ đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan. Do vậy, vụ án cần được Viện KSND tối cao, TAND tối cao xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Luật sư NGUYỄN PHÚ THẮNG (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
Đọc bài trên báo Tuổi trẻ tại đây: http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150906/co-so-do-van-bi-tuyen-mat-dat/964401.html
Bản quyền © 2010 - 2021 thuộc về Công ty Luật TNHH INTERCODE Trích dẫn nguồn khi xuất bản nội dung web này - Điều 28 Luật SHTT Ha Noi : # 703A, Ha Thanh Plaza, 102 Thai Thinh Street, Dong Da Dist., Hanoi, Vietnam T. : (+ 84) 9 37 09 95 99 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : info@intercode.vn Hai Phong : #Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Vietnam T. : (+ 84) 9 82 88 30 66 * F. : (+ 84.4) 3 972 8974 E. : intercode.hp@gmail.com |
|